Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” (Phần mở đầu)

Trong cuộc sống ngày nay, hôn nhân là một phần tất yếu không thể thiếu của con người, tất nhiên vấn đề tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân luôn được quan tâm và được thảo luận nhiều nhất trong đời sống. Vì vậy Luật Việt Chính giới thiệu đến quý bạn đọc Luận văn của Thạc sỹ Lê Ngọc Anh về vấn đề “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”. Luận văn này sẽ được Luật Việt Chính chia nhỏ ra thành nhiều phần giúp cho bạn đọc có cái nhìn sâu rộng hơn về từng phần trong Luận văn này:

CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN VÀ VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI THỨ BA (PHẦN MỞ ĐẦU)

LỜI MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài

Ngày 01/01/2015 Luật HN&GĐ số 52/2014/QH13 chính thức có hiệu lực. Có thể thấy hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình qua các thời kì từ năm 1945 đến năm 2014 đã có sự đổi mới và tiến bộ để phù hợp với nền kinh tế và bối cảnh chung của toàn xã hội. So với các Luật HN&GĐ trước đây, Luật HN&GĐ năm 2014 thực sự có những thay đổi quan trọng, tiệm cận với pháp luật thế giới.

Chế độ tài sản vợ chồng được đặt ra từ những năm 1945, khi đó pháp luật Việt Nam chỉ công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo quy định của pháp luật (chế độ tài sản pháp định), những năm về sau nội dung này không có sự thay đổi. Cho đến khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực, đã công nhận chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận (chế độ tài sản ước định) bên cạnh chế độ tài sản vợ chồng theo pháp luật. Trên thế giới, ở những nước có nền kinh tế và pháp luật phát triển, vấn đề này đã được đề cập tới từ nhiều năm về trước như Pháp, Bỉ, Hoa Kì và ở các nước Châu Á nặng tư tưởng truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Ở Việt Nam, chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được quy định thực sự là một bước tiến quan trọng, một điểm mới tiến bộ song song và cùng với chế định tài sản vợ chồng pháp định, đã bảo đảm quyền tự do định đoạt tài sản của cá nhân theo tinh thần Hiến pháp, đồng thời cũng bảo đảm sự tương thích với những nền pháp luật khác trên thế giới.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Hiện nay, chế định tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đã đi vào đời sống hơn 06 năm, trong quá trình áp dụng đã đạt những thành tựu nhất định như củng cố tính nhất quán, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật; ổn định các quan hệ hôn nhân và gia đình; đề cao nhu cầu tự do định đoạt tài sản, quyền sở hữu của vợ/chồng; từ đó cũng tạo ra cơ sở pháp lý thực hiện quyền, nghĩa vụ của vợ chồng và là cơ sở để Tòa án giải quyết những vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản trong hôn nhân và gia đình. Bên cạnh kết quả đã đạt được, cũng có không ít những khó khăn, vướng mắc cần phải được cơ quan lập pháp hướng dẫn thi hành trong đó nổi bật có việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Ngoài ra, vì những lý do khách quan như chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là một nội dung còn rất mới nên quy định pháp luật còn nhiều hạn chế, sự tiếp cận về pháp luật của người dân còn hạn hẹp; tâm lý ngại minh bạch tài sản khi hướng tới cuộc sống gia đình và tư tưởng phong kiến, truyền thống vẫn còn ở nhiều thế hệ gia đình cho nên chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đến nay vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.

Với những lý do trên, để làm rõ cơ sở lý luận, tình hình thực tiễn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và đề nghị các giải pháp góp phần xây dựng pháp luật về hôn nhân và gia đình, tác giả chọn đề tài: “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Trước khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực, mặc dù pháp luật Việt Nam chưa có quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, tuy nhiên vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu luật học đề cập tới trong rất nhiều trong các công trình nghiên cứu về chế độ tài sản vợ chồng nói chung. Cụ thể như sau:

Nhóm giáo trình, sách chuyên khảo: Trong nhóm này phải kể đến một số công trình tiêu biểu như: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật HN&GĐ năm 2000” của tác giả Nguyễn Văn Cừ – Ngô Thị Hường, nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2002; “Bình luận khoa học Luật HN&GĐ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Điện, nhà xuất bản Trẻ năm 2004; “Giáo trình Kỹ năng giải quyết vụ việc dân sự” của trường Học viện Tư pháp, nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2007; “Giáo trình Luật HN&GĐ Việt Nam” của trường Đại học Luật Hà Nội, nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2008; “Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp Luật HN&GĐ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Cừ, nhà xuất bản Tư pháp năm 2008;

Trong nhóm các bài viết tạp chí có:“Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng liên hệ từ pháp luật Cộng hòa Pháp đến pháp luật Việt Nam” của tác giả Bùi Minh Hồng (tạp chí Luật học số 11/2009). Trong bài viết này, tác giả Bùi Minh Hồng đã tập trung phân tích hai vấn đề chính. Thứ nhất là những vấn đề cơ bản trong pháp luật của Cộng hòa Pháp và chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, bao gồm các khía cạnh: nguyên tắc tự do lựa chọn chế độ tài sản trong hôn nhân, nội dung của hôn ước, những ưu điểm và nhược điểm của các chế độ tài sản vợ chồng. Thứ hai là chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật Việt Nam qua các thời kì. Ngoài ra, trong các bài viết tạp chí về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận còn có một số các tác phẩm khác như “Vài nét về chế độ tài sản vợ chồng trong pháp luật Thái Lan”, của tác giả Nguyễn Hồng Hải, đăng tải trên tạp chí Luật học số 6/1997. 

Sau khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực, vấn đề về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận chủ yếu được nghiên cứu trong các khóa luận, luận văn, luận án nghiên cứu, tạp chí khoa học, các hội thảo về nghiệp vụ công chứng, các bài nghiên cứu chuyên sâu của các Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ cụ thể là:

Ở cấp độ Thạc sĩ có Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật HN&GĐ năm 2014” của tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2014; Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba” của tác giả Nguyễn Hương Giang, trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2017; Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật HN&GĐ năm 2014 ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Hoàng Thị Ngân, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, năm 2018; Luận văn “Chế độ tài sản theo thỏa thuận và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hồng, trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2018. Trong các bài luận văn trên, nội dung về chế độ tài sản của vợ chồng đã được phân tích một cách chung nhất, có tính chất tổng quát cao. Tuy nhiên chưa phân tích chuyên sâu và cụ thể về nội dung bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Trong luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba” của Nguyễn Hương Giang, tác giả đã để cập tới khái niệm người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nhưng còn rất chung chung, chưa phân tích được cụ thể về “người thứ ba”, tư cách pháp lý của người thứ ba và về vấn đề “bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp”. Ngoài ra, luận văn chưa nêu bật được thực trạng về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận hiện nay ở các khía cạnh như đời sống, Tòa án hay tại các tổ chức hành nghề công chứng; đồng thời chưa nêu hết được những bất cập, hạn chế trước những biến đổi của đời sống xã hội có ảnh hưởng tới chế độ tài sản của vợ chồng. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn về khái niệm “người thứ ba” và “bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”, đi sâu phân tích về tư cách pháp lý của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và chỉ ra thêm một số bất cập và đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Về các bài viết đăng trên tạp chí, có thể kể đến các bài viết sau: Chế độ tài sản giữa vợ chồng trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình” của tác giả Đoàn Thị Phương Diệp, năm 2014; “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014 – một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Nguyễn Văn Cừ (tạp chí Luật học số 4/2015); “Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trong Luật HN&GĐ năm 2014” của tác giả Phạm Thị Linh Nhâm (tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5/2016); “Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng” của tác giả Ngô Thị Vân Anh (tạp chí Khoa học pháp lý số 5/2016); “Pháp luật Việt Nam hiện hành về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và các kiến nghị hoàn thiện”, của tác giả Đoàn Thị Phương Diệp đăng tải trên Tạp chí  Luật học số 2/2017; “Chế định tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình”, của tác giả Đoàn Thị Ngọc Hải, (tạp chí Tòa án nhân dân đăng tải ngày 4/8/2018); “Pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật” của tác giả Nguyễn Thị Thu Hoài (tạp chí Công thương đăng tải ngày 06/01/2020); Các bài viết này thường phân tích rất sâu một vấn đề trong chế độ tài sản của vợ chồng, nhưng do tính chất của một bài viết nghiên cứu, các tác giả chỉ đề cập đến một khía cạnh hoặc một trường hợp cụ thể liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng mà không phân tích toàn diện các khía cạnh của chế định này.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

Trong các hội thảo khoa học, hội thảo về nghiệp vụ công chứng, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được các tác giả có kinh nghiệm nghiên cứu và tập hợp thành văn bản hướng dẫn mang tính chất nội bộ. Ví dụ như “Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2020” (vấn đề số 5 về việc công chứng văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng).

Các công trình nghiên cứu, nhìn chung đều đi từ góc độ nghiên cứu pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng nói chung đến chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng. Trong đó phân tích về các quy định của pháp luật hiện hành, tầm quan trọng của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, thực tiễn thực hiện chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, những thành tựu đã đạt được và những vướng mắc, hạn chế, đồng thời kiến nghị xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Đối với các nghiên cứu về “người thứ ba” nói chung, hiện nay các giáo trình, các sách chuyên khảo tại Việt Nam chưa có nhiều bài viết về nội dung này. Có thể kể tới một số công trình đã công bố như “Hợp đồng dịch vụ vì lợi ích của người thứ ba” của tác giả Kiều Thị Thùy Linh năm 2014 đăng tải trên tạp chí Dân chủ & Pháp luật; bài viết “Bảo vệ người thứ ba ngay tình” của tác giả Trần Thị Huệ và Chu Thị Lam Giang năm 2016; bài viết “Một số bất cập trong quy định tại Điều 133 BLDS năm 2015 về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba  ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” đăng tải trên tạp chí Tòa án nhân dân số 13 và 14 năm 2016; bài viết “Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng” của tác giả Ngô Thị Vân Anh, đăng tải trên tạp chí Khoa học pháp lý số 5/2016. Đặc biệt là bài viết “Người thứ ba trong BLDS 2015” của tác giả Ngô Thị Quỳnh Yến đăng tải trên Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế của Đại học Ngoại thương đã phân tích rất chi tiết về chủ thể “người thứ ba” trong BLDS 2015. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bài viết nghiên cứu chuyên sâu.

Do đó, có thể thấy đề tài:“Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” mang tính rất mới, chưa bị trùng lặp với những công trình nghiên cứu trước đây.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu đề tài

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Trong luận văn của mình, tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài là chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu đề tài của Luận văn là tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về chế độ tài sản vợ chồng nói chung và chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong mối quan hệ với chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Làm rõ khái niệm, bản chất, ý nghĩa của sự hình thành các quy định về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, đối chiếu và so sánh với pháp luật của một số nước trên thế giới. Phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận để từ đó đề xuất các kiến nghị, hoàn thiện Luật HN&GĐ nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài

4.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu đề tài là làm sáng tỏ những vấn đề về lý luận của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Đánh giá tình hình thực hiện các quy định pháp luật hiện hành, từ đó đưa ra những phương hướng để hoàn thiện pháp luật, góp phần làm ổn định các quan hệ pháp luật và bảo đảm tính thực thi khi áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Tác giả đặt ra những nhiệm vụ khi nghiên cứu đề tài sau đây:

– Nghiên cứu các vấn đề lý luận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận: khái niệm, đặc điểm của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận.

– Nghiên cứu, phân tích một cách có hệ thống các quy định của pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

  • Đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
  • Từ thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả định hướng sửa đổi, bổ sung những bất cập trong việc thực hiện chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

5. Phương pháp nghiên cứu đề tài

Cơ sở phương pháp nghiên cứu đề tài là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác – Lenin;

Ngoài ra, Luận văn còn sử dụng một số phương pháp như: Phương pháp mô tả để phân tích khái niệm về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, về người thứ ba theo quy định pháp luật; phương pháp so sánh để làm rõ tương quan và sự phát triển của pháp luật Việt Nam với pháp luật của các nước khác trên thế giới; phương pháp lịch sử để nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Luật HN&GĐ nói chung và chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng; phương pháp thống kế để đánh giá thực trạng thực thi pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận trên thực tế, và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

6. Ý nghĩa của luận văn

Đối với bản thân, hiện nay học viên đang là một công dân làm việc trong lĩnh vực pháp luật, việc nghiên cứu đề tài, đánh giá toàn diện và sâu sắc về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận giúp cho học viên củng cố kiến thức để thi hành pháp luật một cách đúng đắn và có hiệu quả trong công việc.

Đối với khoa học, Luận văn đã hoàn thiện và bổ sung những vấn đề vê lý luận và thực tiễn của chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận; nghiên cứu chuyên sâu về việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong mối quan hệ với chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận – một vấn đề rất mới trong pháp luật về HN&GĐ.

Đối với cơ quan, tổ chức, học sinh, sinh viên, Luận văn là tài liệu tham khảo trong quá trình nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Luật Việt Chính hỗ trợ các thủ tục về hôn nhân và gia đình

7. Kết cấu của Luận văn

Ngoài các phần Lời mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Danh mục viết tắt và Phụ lục, Luận văn bao gồm 02 chương theo kết cấu truyền thống:

Chương 1: Những vấn đề lý luận và quy định của pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Chương 2: Thực tiễn thực hiện chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Trên đây là phần 1 bài Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận và việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” của Thạc sĩ Lê Ngọc Anh, rất mong sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích và kiến thức pháp luật đến cho bạn đọc.

– Gọi điện tới số điện thoại 0368.668.629 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

Bài viết liên quan