Mẫu thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp

MẪU THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ DOANH NGHIỆP

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thấy được ý nghĩa quan trọng của thỏa ước lao động tập thể nên đã chú trọng tới việc thương lượng và xây dựng thỏa ước lao động tập thể cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, để doanh nghiệp xây dựng được một thỏa ước lao động tập thể còn gặp khá nhiều khó khăn. Bài viết dưới đây, Luật Việt Chính xin gửi tới bạn đọc tham khảo mẫu thỏa ước lao động tập thể theo quy định hiện nay.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Lao động năm 2019

THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ LÀ GÌ?

Khái niệm về thỏa ước lao động tập thể được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 75 Bộ luật lao động năm 2019.

“Điều 75. Thỏa ước lao động tập thể

1. Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.”

Theo định nghĩa trên, Thỏa ước lao động tập thể là kết quả của việc thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động, kết quả này được các bên ký kết và lập thành văn bản.

Thỏa ước lao động tập thể bao gồm:

– Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;

– Thỏa ước lao động tập thể ngành;

– Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp;

– Các thỏa ước lao động tập thể khác.

ĐIỀU KIỆN THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ DOANH NGHIỆP

Điều 76 Bộ luật lao động quy định cụ thể về các điều kiện lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể, cụ thể:

Lấy ý kiến

Theo quy định của pháp luật lao động trước khi ký kết thỏa ước lao động tập thể thì doanh nghiệp cần phải tiến hành tổ chức lấy ý kiến.

“1. Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.”

Như vậy, thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi đáp ứng điều kiện về việc lấy ý kiến và tỷ lệ biểu quyết tán thành theo các quy định.

Thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể do tổ chức đại diện người lao động quyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng.

Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước.

Ký kết thỏa ước lao động tập thể

– Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.

Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.

– Thỏa ước lao động tập thể phải được gửi cho mỗi bên ký kết và cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 77 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp thì từng người sử dụng lao động và từng tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thỏa ước phải được nhận 01 bản.

– Sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho người lao động của mình biết.

Lưu ý: Theo quy định của Bộ luật Lao động thì không bắt buộc trong mỗi một doanh nghiệp phải có thỏa ước lao động tập thể.

Tham khảo: Thủ tục xin giấy phép lao động

MẪU THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về nội dung của thỏa ước lao động tập thể mà chỉ quy định nguyên tắc chung, theo đó nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; đồng thời khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Tham khảo mẫu thỏa ước lao động tập thể:

CÔNG TY _______________

Đ/C:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                         ……, ngày … tháng năm …..

THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

– Căn cứ vào Bộ Luật Lao Động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019;
– Căn cứ vào Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động;
– Căn vào Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 hướng dẫn một số nội dung tại Bộ luật Lao động;

– Căn cứ sự thoả thuận giữa hai bên người sử dụng lao động và tập thể người lao động sau khi lấy ý kiến của tập thể người lao động trong doanh nghiệp.
 
          Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mỗi bên trong quan hệ lao động, chúng tôi gồm có:

1. Đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ):

Ông__________________________          – Người đại diện pháp luật của công ty
Chức danh:
Địa chỉ:
CMT số:

ĐTDĐ:

2. Đại diện tập thể lao động:

Họ tên:
Chức danh:
Địa chỉ:
CMT số:
ĐTDĐ:

         Hai bên cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật và cùng nhau thoả thuận ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp với các điều khoản cụ thể như sau:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thoả ước lao động tập thể này quy định mối quan hệ lao động giữa tập thể lao động và NSDLĐ về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong thời hạn Thỏa ước có hiệu lực. Mọi trường hợp khác trong mối quan hệ lao động không quy định trong bản Thỏa ước lao động tập thể này, sẽ được giải quyết theo Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Điều 2. Đối tượng thi hành

1. Người sử dụng lao động;
2. Người lao động (NLĐ) đang làm việc tại công ty, kể cả NLĐ trong thời gian học nghề, tập nghề, thử việc, NLĐ vào làm việc  sau ngày Thỏa ước có hiệu lực đều có trách nhiệm thực hiện những nội dung thoả thuận trong Thỏa ước này;
3. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở/Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (nơi không có công đoàn cơ sở).

Điều 3Thời hạn của thỏa ước

1. Thỏa ước này có hiệu lực 3 năm kể từ ngày ký.
2. Sau 6 tháng, các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung Thỏa ước. Việc sửa đổi, bổ sung phải được tiến hành theo trình tự như khi ký kết.
3. Khi thời hạn của Thỏa ước hết hiệu lực hai bên thực hiện theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Lao động.

Điều 4Cam kết của NSDLĐ bảo đảm quyền hoạt động của công đoàn
NSDLĐ có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quyền công đoàn, trích nộp kinh phí công đoàn đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động.
Điều 5Cam kết của NLĐ về việc chấp hành Nội quy lao động của doanh nghiệp
1. NLĐ có trách nhiệm chấp hành đúng các nội dung quy định trong HĐLĐ, Nội quy lao động và Thoả ước lao động tập thể;
2. Thực hiện đúng quy trình sản xuất, đặc biệt là các quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp.
3. Có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có ý thức kỷ luật lao động, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm hư hỏng máy móc, hàng hoá, sản phẩm của doanh nghiệp.
4. Phối hợp cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, đảm bảo tiến độ công việc.
5. Không tham gia đình công, tranh chấp lao động tập thể trái quy định của pháp luật.

Chương II.
NỘI DUNG THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Điều 7. Việc làm và bảo đảm việc làm
1. NSDLĐ phải đảm bảo việc làm cho NLĐ trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng.
2.  Thời gian nghỉ chờ việc do thiếu đơn hàng hay do lý do khách quan khác như điện nước thì NLĐ được trả 100% tiền lương theo hợp đồng lao động, nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do nhà nước qui định.
3. NSDLĐ sẽ hỗ trợ 100% học phí khi NLĐ tham gia các khoá học nghề do DN yêu cầu và cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau khi học nghề từ 02 năm trở lên.
4. NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị xử lý kỷ luật lao động sẽ được tái ký HĐLĐ khi hết hạn hợp đồng.
5. NLĐ tham gia đình công trái pháp luật sẽ không được tái ký khi hết hạn HĐLĐ.
Điều 8.  Công tác đào tạo 
1. Công ty coi trọng công tác đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, tin học cho NLĐ nhằm phục vụ thiết thực có hiệu quả cao cho công ty.
2. Trong chiến lược phát triển công ty, từng giai đoạn, vào thời điểm thích hợp, Công ty sẽ đào tạo hoặc cử NLĐ đi đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ tay nghề cho phù hợp với yêu cầu công việc thực tế. Tổ chức cho NLĐ làm công tác quản lý, chuyên môn nghiệp và công nhân kỹ thuật đi học tập kinh nghiệm ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
3. Công ty khuyến khích và tạo điều kiện cho NLĐ tự học hỏi nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn để phục vụ công việc tốt hơn.

Điều 9. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Công ty thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định tại Nội quy lao động đăng ký theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài những ngày nghỉ lễ tết hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật, người lao động còn được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây: 

– Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

– Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

3. Ngoài ra NLĐ còn được nghỉ hưởng nguyên lương trong trường hợp sau:
Ngày thành lập Công ty: Công ty phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống trong một buổi và mọi NLĐ phải tham gia; một buổi còn lại NLĐ được nghỉ ngơi và hưởng lương.

MẪU THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ TẢI VỀ: TẠI ĐÂY

HIỆU LỰC VÀ THỜI HẠN CỦA THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Điều 78 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể như sau:

Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể

– Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

– Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể.

Tham khảo: Thủ tục thành lập công ty xuất khẩu lao động

Lưu ý: Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc loại trừ bất cứ nhóm đối tượng là người lao động nào của doanh nghiệp trong thỏa ước lao động tập thể là không đúng quy định của pháp luật.

Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.

Bài viết liên quan