Nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người

NGUYÊN TẮC QUYỀN YÊU CẦU TOÀ ÁN BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CON NGƯỜI

Quyền con người là một trong những quyền mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, đặc biệt là quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vấn đề quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ được đặt ra khi có hành vi xâm phạm tới quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức và nguyên tắc này đã được pháp luật ghi nhận tại điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đây là một trong các nguyên tắc cơ bản và đặc trưng của pháp luật tố tụng dân sự. Vì nội dung của nguyên tắc này xác định các chủ thể theo quy định của BLTTDS có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác, bảo vệ lợi ích của nhà nước và lợi ích công cộng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, nhóm em xin được nghiên cứu đề tài: “Nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”.

  1. Một số vấn đề lý luận về nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

1.1. Khái niệm nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Để nắm bắt được khái niệm nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, ta cần làm rõ những thành tố sau:

Thứ nhất, về khái niệm “nguyên tắc”: Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về “nguyên tắc”. Theo từ điển Tiếng Việt”, “nguyên tắc” được hiểu là “điều cơ bản đã định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một loạt việc làm”. Trong khoa học pháp lý, nguyên tắc được hiểu là những tư tưởng pháp lý mang tính chỉ đạo. Xuất phát từ khái niệm này, giáo trình Luật Tố tụng dân sự của Đại học Luật Hà Nội đưa ra định nghĩa về các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự như sau: “Các nguyên tắc của Luật TTDS Việt Nam là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ hệ thống các chế định tố tụng và biểu thị những nội dung đặc trưng nhất của ngành luật này”.

Thứ hai, về khái niệm “quyền yêu cầu”: Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “quyền là điều mà Nhà nước và pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”[1]. Trong khoa học pháp lý, quyền là những điều mà pháp luật công nhận và bảo đảm thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó cá nhân, tổ chức được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản hoặc hạn chế. “Yêu cầu” có nghĩa là “nêu ra điều gì với người nào đó, tỏ ý muốn người đó làm, vì đó là việc thuộc nhiệm vụ, trách nhiệm hoặc quyền hạn, khả năng của người ấy”. Từ đó, có thể định nghĩa, quyền yêu cầu là thuật ngữ chỉ khả năng mà Nhà nước, pháp luật hoặc xã hội công nhận để chủ thể nào đó nêu ra điều gì với một chủ thể khác, tỏ ý muốn chủ thể đó làm, vì đó là việc nhiệm vụ, trách nhiệm hoặc quyền hạn, khả năng của chủ thể ấy.

Thứ ba, về khái niệm “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”: Để phân tích khái niệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, trước hết ta cần phân biệt giữa khái niệm bảo vệ và bảo đảm.

Xét về ngôn ngữ học, “bảo vệ” được hiểu là chống lại mọi sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn. Nội dung của việc bảo vệ gồm hai hoạt động: một là, chống lại các hành vi xâm phạm; hai là, giữ gìn cho luôn được nguyên vẹn. 

Còn bảo đảm là: “làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được, hoặc “có đầy đủ những gì cần thiết”; hoặc là “cam đoan giữ được, làm được đầy đủ”. Bảo đảm là điều kiện cần phải có để thực hiện một điều gì, công việc gì. 

Như vậy, bảo đảm và bảo vệ là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bảo vệ chỉ đặt ra khi các quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, còn bảo đảm là tạo ra các điều kiện cần thiết để chủ thể thực hiện được các quyền lợi hợp pháp ngay cả khi không có sự xâm phạm.

     Quyền và lợi ích là một phạm trù mang tính xã hội và cũng mang tính pháp lý. Nó có thể là những quyền, lợi ích về vật chất hoặc tinh thần, quyền, lợi ích về kinh tế hoặc về chính trị…Trong nhiều trường hợp, quyền và lợi ích quyết định hành vi của các chủ thể. Do đó, ở những mức độ khác nhau, dù muốn hay không tất cả các Nhà nước đều phải thừa nhận và bảo hộ các quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể bằng sự ghi nhận trong hệ thống pháp luật. Các quyền và lợi ích chính đáng được ghi nhận trong pháp luật thì được coi là “quyền và lợi ích hợp pháp”. Như vậy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là việc chống lại sự xâm phạm các quyền và lợi ích chính đáng được pháp luật ghi nhận.

Từ những phân tích trên, nguyên tắc “Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” có thể được hiểu là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo nhằm bảo đảm các chủ thể khi thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm thì có quyền đưa ra đề nghị đối với Tòa án để Tòa án bảo vệ những quyền, lợi ích hợp pháp đã được công nhận trước đó”. 

1.2. Cơ sở hình thành nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Xuất phát từ quyền con người, quyền công dân: Trên cơ sở quy định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 về việc tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân nên tại Điều 4 của Bộ luật TTDS năm 2015 đã tiếp tục ghi nhận nguyên tắc này nhưng với nội dung đầy đủ và hoàn thiện hơn. Theo đó, Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”. So với BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Xuất phát từ việc bảo đảm cho các quy định của pháp luật nội dung được thực hiện: Nếu như quy định của pháp luật nội dung giúp ta xác định rõ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong quan hệ dân sự thì các quy định của pháp luật hình thức chính là cơ chế, quy trình, thủ tục pháp lý nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích đó được thực hiện trên thực tế[2].  

Tham khảo thêm Các quy định của BLTTDS hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự

1.3. Ý nghĩa của việc ghi nhận nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong bộ luật tố tụng dân sự

  1. a) Đối với đương sự

Việc pháp luật ghi nhận cho đương sự có quyền yêu cầu trong TTDS là bước đầu nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý khi trao cho đương sự công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước các hành vi xâm phạm của các chủ thể khác thông qua việc tham gia tố tụng tại Tòa án. Giúp đương sự lựa chọn được một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp và hiệu quả, đó là khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, việc đương sự nắm rõ và chủ động trong việc thực hiện quyền yêu cầu của đương sự còn có ý nghĩa chống lại sự lạm quyền, thiên vị, sai sót từ cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng dân sự.

  1. b) Đối với việc quản lý xã hội

Nguyên tắc này cũng bảo đảm việc Nhà nước quản lý và tạo lập trật tự xã hội bằng pháp luật. Thông qua những quy định này, ý thức pháp luật của người dân nói chung trong xã hội về các quyền TTDS được nâng cao. Khi quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm hại, bản thân họ có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Người dân có thể tự nhận thức được quyền của mình cũng như tôn trọng các quyền của chủ thể khác thông qua các hoạt động tố tụng tại Tòa án. Khi kết quả người dân nhận được là một phán quyết khách quan, công tâm và chính xác thì đó chính là cơ sở để người dân tạo lập niềm tin vào pháp luật và sẽ coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để bảo vệ mình khi quyền, lợi ích bị xâm phạm hoặc tranh chấp. Nhờ vậy, pháp luật sẽ ngày càng được tôn trọng, đẩy lùi được các hành vi tiêu cực cho xã hội, củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

  1. c) Đối với cơ quan tiến hành tố tụng

Khi ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là Tòa án có thẩm quyền xét xử có thể có được cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các thủ tục tố tụng nhằm khôi phục những quyền lợi hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm. Có thể nói nguyên tắc này là yếu tố góp phần, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc của mỗi cán bộ Tòa án từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án trong việc thực thi công lý, bảo vệ quyền lợi của người bị xâm phạm. Mà hành vi khởi kiện hay hành vi yêu cầu giải quyết của cá nhân, cơ quan, tổ chức là cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc dân sự, là tiền đề để cơ quan tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo. Tòa án sẽ xem xét, giải quyết vụ việc trên cơ sở các quy định của pháp luật và chứng cứ do hai bên cung cấp hoặc Tòa án tự thu thập với nguyên tắc xét xử công khai, khách quan, công bằng nên khả năng đảm bảo được các quyền, lợi ích cho các bên là rất cao. 

  1. Nội dung của nguyên tắc quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

2.1. Quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là nguyên tắc đặc trưng của luật tố tụng dân sự, ghi nhận là một quyền con người cơ bản được thừa nhận trong luật nhân quyền quốc tế. Để cụ thể hóa nội dung nguyên tắc này tại khoản 1, Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Điều 4. Quyển yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 của bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp gồm:

Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Có thể hiểu khi các chủ thể này tham gia vào quan hệ dân sự nhưng phát sinh tranh chấp hoặc khi cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyển tự mình nộp đơn khởi kiện đến tòa án yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình. Quyền khởi kiện, yêu cầu ở đây có thể hình thành trong hai trường hợp: một là trường hợp chủ thể đã tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự; hai là trường hợp chủ thể không tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự nhưng được thế quyền, kế quyền hoặc có quyền đối với người thứ ba. 

Thứ hai, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Tuy nhiên không phải bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người khác, trong trường hợp này quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật nội dung ví dụ như:

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trừ người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình; người mất năng lực hành vi dân sự; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi của mình có quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện, yêu cầu vụ việc về hôn nhân và gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 5 Điều 84, khoản 2 Điều 86, khoản 3 Điều 102, khoản 2 Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, các cơ quan này có quyền khởi kiện, yêu cầu về huỷ việc kết hôn trái pháp luật, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, tranh chấp xác định cha, mẹ, con, tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng.

Cơ quan lao động, thương binh và xã hội, hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo Điều 26 Luật Nuôi con nuôi.

Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động.

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 5 Điều 84, khoản 2 Điều 86, khoản 3 Điều 102, khoản 2 Điều 119, khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 26 Luật Nuôi con nuôi. Trong trường hợp này thì các cá nhân sau đây có quyền khởi kiện:

Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật.

Người thân thích có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Người thân thích có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Cha, mẹ, con, người giám hộ có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật Hôn nhân gia đình.

Người thân thích có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Cha mẹ nuôi, con nuôi đã thành niên, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.[3]

Thứ ba, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng: 

Không phải bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng có quyền để khởi kiện vì lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng. Những cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện trong trường hợp này phải được Nhà nước trao quyền quản lý trong phạm vi lĩnh vực nhất định. Ví dụ: cơ quan Tài nguyên và Môi trường có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường. Ở đây, cơ quan, tổ chức khởi kiện không có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm nhưng vẫn được xác định tư cách là nguyên đơn trong vụ án dân sự. Hiện nay, không có quy định cho phép cá nhân được khởi kiện vì lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng. Có lẽ xuất phát từ sự phức tạp trong những vụ án liên quan đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng và những khó khăn, hạn chế trong hoạt động chứng minh của cá nhân đi kiện cho lợi ích chung nên pháp luật chỉ ghi nhận quyển khởi kiện của cơ quan, tổ chức trong trường hợp này.

So với Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi năm 2011 trước đó, liên quan đến quyển khởi kiện vụ án dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hai điểm mới đáng chú ý[4]:

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung quyển khởi kiện của cá nhân có quyển khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (khoản 5 Điểu 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Mặc dù trong trường hợp này, người khởi kiện không đổng thời là đương sự nhưng điểm mới này của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã góp phần đảm bảo quyền yêu cẩu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong một số trường hợp đặc biệt.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có những bổ sung cẩn thiết vể cách thức thực hiện quyền khởi kiện. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 189, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể hình thức đơn đối với từng trường hợp cụ thể: (1) Trường hợp người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là cá nhân có đẩy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; (2) Trường hợp người có quyển, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; (3) Trường hợp người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc người đại diện của người có quyển, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ. Những bổ sung này của Bộ luậtTố tụng dân sự năm 2015 đã tạo điều kiện cho người khởi kiện thực hiện quyển khởi kiện của mình, khiến cho việc thực hiện quyền được dễ dàng và thuận lợi hơn.

Qua các phân tích trên, ta nhận thấy Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã mở rộng chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự so với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi năm 2011. Việc mở rộng này đã đáp ứng được quyền tiếp cận công lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự nói chung và các chủ thể tham gia các quan hệ xã hội nói riêng, bảo đảm thực hiện nguyên tắc quyền yêu cẩu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Mặt khác, việc bổ sung các chủ thể mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã tạo nên sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật với nhau đặc biệt là Bộ luật lao động, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội, tạo cơ chế pháp lý ổn định để các chủ thể có thể thực hiện tốt nhất quyền khởi kiện nhằm bảo vệ tối đa quyển và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự.

Tham khảo thêm Mẫu đơn mời luật sư tham gia bảo vệ trong vụ án dân sự

2.2. Trách nhiệm giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng

Dưới tác động của hội nhập, đổi mới và phát triển, các quan hệ dân sự luôn vận động, thay đổi càng đặt ra nhiều thách thức đối với pháp luật. Việc mong muốn pháp luật thành văn (hay luật viết) có thể điều chỉnh mọi quan hệ dân sự là điều bất khả thi[5]. Chính vì vậy, việc đặt ra nguyên tắc giải quyết các quan hệ dân sự khi chưa có luật áp dụng là điều rất quan trọng. Để giải quyết các hạn chế của việc thiếu luật điều chỉnh, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nguyên tắc tòa án không được từ chối thụ lý trong Hiến pháp và các bộ luật của mình. Kế thừa sự phát triển của pháp luật tố tụng dân sự trên thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Nhà nước ta, quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có luật áp dụng đã được ghi nhận tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Đây là căn cứ để TAND tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu. Quy định trên vừa đặt ra thách thức để các thẩm phán phải luôn trau dồi năng lực chuyên môn của mình, vừa là cơ hội để thẩm phán thể hiện đúng vai trò là “đại diện công lý”, là “đỉnh cao của nghề luật”.

2.3. Về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng

Quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015 đã đặt ra vấn đề là thẩm phán phải dựa trên cơ sở nào để giải quyết các vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng. Để giải quyết vấn đề trên, nhà làm luật đã xây dựng quy định về nguyên tắc toà án giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng[6]. Nguyên tắc này được quy định tại Điều 45 BLTTDS năm 2015. Theo đó, có 3 nguyên tắc áp dụng trong trường hợp này, đó là (1) nguyên tắc áp dụng tập quán, (2) nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật, (3) nguyên tắc áp dụng các nguyên tắc cơ bản luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng. Với quy định này, nhận thức về nguồn pháp luật có sự thay đổi mang tính đột phá chứ không chỉ bó hẹp trong luật thành văn và tập quán như tư duy cũ.

2.4. Hậu quả pháp lý trong trường hợp thẩm phán từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có luật áp dụng 

Một quy định dẫu có giá trị đến đâu cũng trở thành vô nghĩa nếu không đặt ra chế tài phù hợp dành cho nó. Việc xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán một cách công bằng, kịp thời, khách quan và nghiêm minh là một đòi hỏi quan trọng để bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc trên. Tại Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/06/2017 quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân. Theo đó, Điều 9 và Điều 10 của Quyết định này quy định, thẩm phán sẽ bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi: “Trả lại đơn khởi kiện không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của TAND”. Nếu vẫn tiếp tục vi phạm, thẩm phán có thể bị tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong 30 ngày. Để người dân bảo vệ tốt quyền lợi của mình, khoản 2 Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định: khi trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn. Văn bản này là cơ sở để đương sự thực hiện quyền khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án nếu cho rằng hành vi đó là không đúng quy định của pháp luật.

  1. Thực trạng thực hiện quy định của pháp luật về nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Những kết quả đạt được 

Trong những năm vừa qua, đặc biệt năm 2022, mặc dù số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết gia tăng (tăng gần 6% so với năm trước), nhưng Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ[7].

Để giúp đương sự thuận lợi trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, các Tòa án đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, đảm bảo cho đương sự thực hiện quyền của mình: Hầu hết các Tòa án đều niêm yết mẫu đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại trụ sở Tòa án, thuận lợi cho đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hoặc cho người khác; Để giúp đương sự dễ dàng hơn trong việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, nhiều Tòa án còn cử lãnh đạo các Tòa án thường trực tiếp nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và giải quyết những yêu cầu, thắc mắc của đương sự. Ngoài ra, cán bộ tiếp nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết việc, đa số đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tận tình hướng dẫn người nộp đơn cách thức, trình tự viết đơn và tuân thủ chế độ thông báo về việc yêu cầu, giao nộp chứng cứ tài liệu theo đơn… 

Để tạo cơ sở cho việc thực hiện chức năng xét xử của Tòa án trong trường hợp thiếu vắng quy định pháp luật, từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhà lập pháp Việt Nam đã ghi nhận cho Thẩm phán quyền được áp dụng phong tục tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự. 

Bản án số 04/2020/DS-ST ngày 28/5/2021 của Toà án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ về việc “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” là một trong những tình huống áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp giữa nguyên đơn là anh Đinh Hồng V và chị Nguyễn Thị Thanh H kết hôn với nhau năm 2009. Cụ thể, quá trình kết hôn, vợ chồng có 02 con chung là Đinh Thị Hồng G, sinh 01/3/2010 và Đinh Tùng L, sinh ngày 15/12/2015. Sau khi kết hôn, anh V làm nghề buôn bán lâm sản và lái xe. Chị H ở nhà nuôi con. Chị H không nghề nghiệp cho đến khi hai người ly hôn. Do chị H không chung thuỷ nên cháu L không phải là con anh V. Do không biết Cháu L không cùng huyết thống với anh V nên anh V đã phải nuôi cháu L từ khi sinh ra tháng 12/2015 đến tháng 3/2020 là 4 năm 3 tháng (51 tháng). Vì vậy, anh V khởi kiện đề nghị bồi thường tiền công chăm sóc 2.000.000 đồng/tháng. Trên cơ sở xem xét vụ việc, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: chị H cho rằng khi chị mang thai anh Đinh Hồng V biết cháu L không phải là con của anh nhưng anh vẫn chấp nhận để nuôi làm phúc. Nhưng chị không đưa ra được chứng cứ nào. Do vậy, việc anh Đinh Hồng V yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần vì anh bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm, uy tín do hành vi của chị Nguyễn Thị Thanh H gây ra là có căn cứ. Thiệt hại về vật chất và tinh thần của anh Đinh Hồng V đương nhiên được mọi người trong xã hội thừa nhận, do vậy cần buộc chị Nguyễn Thị Thanh H phải có trách nhiệm bồi thường. Ngoài căn cứ theo Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH, Toà án còn áp dụng quy định chung theo Điều 3 BLDS và lẽ công bằng theo quy định tại Điều 6 của BLDS 2015. Theo đó, hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, mọi việc làm đều có mục đích. Anh Đinh Hồng V nuôi dưỡng chăm sóc cháu Đinh Tùng L là được hưởng lợi về mặt tình cảm và trông cậy lúc tuổi già. Nhưng mục đích ấy đã không đạt được. Vì vậy, người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường là phù hợp với quy định chung của pháp luật và vì lẽ công bằng. Bản án số 04/2020/DS-ST ngày 28/5/2021, Toà án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đinh Hồng V và buộc chị Nguyễn Thị Thanh H phải thanh toán (bồi thường) tiền cho anh Đinh Hồng V các khoản tiền về tiền chi phí nuôi dưỡng cháu Đinh Tùng L, tiền tổn thất tinh thần cho anh Đinh Hồng V, tiền chi phí khi sinh, tiền công chăm sóc.   

Có thể thấy, trong vụ việc này khi tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, pháp luật không có quy định, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật thì Tòa án nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là lẽ công bằng là thừa nhận “hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, mọi việc làm đều có mục đích, anh Đinh Hồng V nuôi dưỡng chăm sóc cháu Đinh Tùng L là được hưởng lợi về mặt tình cảm và trông cậy lúc tuổi già, nhưng mục đích ấy đã không đạt được.” Điều này được xác định trên cơ sở lẽ phải, được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của đương sự. Do đó, Chị H là người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường là phù hợp với quy định chung của pháp luật và vì lẽ công bằng, từ đây tranh chấp đã được giải quyết, đảm bảo quyền lợi kịp thời cho anh V.

Như vậy, thực tiễn về việc áp dụng nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được thi hành để giải quyết các vụ việc dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ngày càng đạt kết quả cao, Tòa án nhân dân các cấp đã đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc này, khái quát hóa qua số liệu và tình huống được phân tích trên, người viết nhận thấy việc ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thành một nguyên tắc trong tố tụng dân sự là điều cần thiết. Nguyên tắc này không chỉ có ý nghĩa đối với đương sự mà còn có ý nghĩa lớn đối với cơ quan xét xử, với Nhà nước.

Những bất cập còn tồn tại 

Thứ nhất, việc sử dụng thuật ngữ “vụ việc dân sự” tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015 là chưa phù hợp về logic. Xét về trình tự tố tụng, trước khi vào sổ thụ lý vụ việc dân sự, thẩm phán phải thực hiện thủ tục tiền thụ lý. Thủ tục tiền thụ lý bao gồm các công việc như xem xét quyền của chủ thể khởi kiện, năng lực hành vi tố tụng dân sự của chủ thể khởi kiện, thẩm quyền của Tòa án… Nếu tranh chấp hoặc yêu cầu dân sự không đáp ứng các điều kiện thụ lý thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Một tranh chấp dân sự hoặc một yêu cầu dân sự chỉ trở thành một vụ án dân sự hoặc một việc dân sự nếu Tòa án chấp nhận thụ lý quan hệ đó. Khi Tòa án từ chối giải quyết một quan hệ pháp luật chính là việc Tòa án từ chối thụ lý giải quyết quan hệ đó, việc từ chối lúc này được diễn ra ở giai đoạn tiền thụ lý nên vụ việc dân sự chưa thể được hình thành.

Thứ hai, quy định tại khoản 1 Điều 4 BLTTDS năm 2015 có sự mâu thuẫn với quy định của BLDS năm 2015. Theo quy định của BLDS năm 2015, chỉ có hai loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự là: cá nhân và pháp nhân; các chủ thể như hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, không được coi là chủ thể tham gia quan hệ dân sự. Vì vậy, khi tham gia quan hệ dân sự, tổ hợp tác, hộ gia đình, tổ chức khác sẽ tham gia với tư cách là cá nhân hoặc nhóm cá nhân. Điều 101 BLDS năm 2015 quy định, “hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự… Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện”. Điều này có nghĩa là, khi tổ hợp tác, hộ gia đình, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không có năng lực chủ thể độc lập tham gia vào các quan hệ pháp luật nội dung thì cũng không thể trở thành chủ thể độc lập nhân danh chính tổ chức trong các quan hệ tố tụng.

Thứ ba, theo quy định của Điều 44 BLTTDS năm 2015, thủ tục thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng được thực hiện theo quy định của BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng có những điểm khác biệt so với các vụ việc dân sự thông thường khác, thường là phức tạp hơn. Vì vậy, ngoài việc pháp luật quy định Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng theo các quy định chung về thụ lý, giải quyết các loại vụ việc dân sự khác thì pháp luật cần phải có những quy định riêng về thụ lý, giải quyết loại vụ việc dân sự này.

  1. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Thứ nhất, cần sửa đổi thuật ngữ “vụ việc dân sự” được quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015 thành “tranh chấp, yêu cầu dân sự”. “Vụ việc dân sự” chưa thể được hình thành bởi vì việc Toà án từ chối giải quyết một quan hệ pháp luật diễn ra ở giai đoạn tiền thụ lý. “Tranh chấp, yêu cầu dân sự” khi chưa có điều luật để áp dụng là tranh chấp, yêu cầu dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm tranh chấp đó phát sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết mà chưa có điều luật để áp dụng. Xét về mặt logic, thuật ngữ “tranh chấp, yêu cầu dân sự” phù hợp hơn.

Thứ hai, sửa đổi quy định của khoản 1 Điều 4 BLTTDS năm 2015 về chủ thể có quyền khởi kiện, yêu cầu và các điều có liên quan trong Bộ luật này để khớp với BLDS năm 2015. Theo đó, chỉ có cá nhân, pháp nhân có quyền khởi kiện, yêu cầu và được xác định là đương sự trong vụ việc dân sự. Toà án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quyền khởi kiện và việc xác định tư cách đương sự của các hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân theo hướng: tranh chấp liên quan đến các hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức không có tư cách pháp nhân thì thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức không có tư cách pháp nhân đó là người khởi kiện và được xác định là đương sự trong vụ án dân sự.

Thứ ba, sửa đổi BLTTDS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định không áp dụng các quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng; đồng thời cần ban hành quy định riêng về trình tự, thủ tục thụ lý và giải quyết các vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng.

Như vậy, quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là nguyên tắc đặc trưng của tố tụng dân sự. Việc ghi nhận nguyên tắc này là bước đầu nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý – một quyền con người cơ bản được thừa nhận trong luật nhân quyền quốc tế. Tuy vẫn còn một số bất cập, sai sót nhưng tổng quan nguyên tắc này đã bảo vệ con người, bảo vệ công dân qua thủ tục tố tụng dân sự. Có thể nói quy định của pháp luật về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS là yếu tố nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Tòa án, củng cố uy tín của cơ quan xét xử, nâng cao lòng tin của nhân dân vào công lý. Ngoài ra, nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, góp phần công cuộc ổn định trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Bài viết liên quan