So sánh và bình luận quan niệm về án lệ theo quy định pháp luật của Việt Nam và theo quan niệm pháp luật một số quốc gia theo hệ thống cilvil law

SO SÁNH VÀ BÌNH LUẬN QUAN ĐIỂM VỀ ÁN LỆ THÉO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CỦA VIỆT NAM VÀ THEO QUAN NIỆM PHÁP LUẬT MỘT SỐ QUÔC GIA THEO HỆ THỐNG CILVIL LAW

 

Án lệ ở Việt Nam tuy so với pháp luật thành văn có lịch sử lâu đời thì còn khá mới mẻ nhưng cũng đã có một lịch sử hình thành khá lâu đời. Tuy nhiên sự công nhận chính thức án lệ thì cho đến Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 mới được chính thức đưa vào bộ luật. Mô hình án lệ của Việt Nam do có sự tiếp thu pháp luật từ tư duy pháp lý đến tổ chức hoạt động Tòa án khá gần gũi với dòng họ pháp luật Civil Law, vì vậy tập trung tìm hiểu án lệ trong hệ thống pháp luật Dân luật thông qua hai mô hình án lệ điển hình là Pháp và Đức, từ đó phân tích thực trạng án lệ tại Việt Nam và gợi mở một số kinh nghiệm

1. Lý luận chung về án lệ

1.1. Khái niệm án lệ

Án lệ được định nghĩa khác nhau ở nhau và được hiểu theo nhiều cách khác nhau dựa vào hệ thống pháp luật của từng quốc gia hoặc tư duy nhận thức và diễn đạt của mỗi người. Tại Việt  Nam Án lệ được hiểu là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.[1]

Theo Black’s Law Dictionary, án lệ là bản án hoặc quyết định của tòa án, nó tạo lập quy tắc hoặc căn cứ pháp lý đáng tin cậy cho việc quyết định các vụ việc tương tự trong tương lai. Về mặt lý luận thì án lệ có những yếu tố có thể làm cho một bản án trở thành căn cứ cho các quyết định sau này của tòa án, đó là những tình tiết thực tế, sự kiện giống nhau, hoặc nếu sự kiện khác nhau thì những nguyên tắc được áp dụng trong vụ án đầu tiên có thể được áp dụng đối với nhiều sự kiện khác nhau [2]

Một nhận thức chung về án lệ về bản chất thì theo quan điểm của Aristotle “các vụ việc giống nhau phải được xét xử như nhau”[3] . Đây được coi là nền tảng cơ bản của học thuyết án lệ trong cả hai nền tảng pháp luật dân luật ( Civil Law) và thông luật ( Common Law ) dù trong hai hệ thống pháp luật này có sự khác biệt về tư duy pháp lý, nguồn luật và thực tiễn áp dụng án lệ. Thực tế, bản chất án lệ được thừa nhận không thay đổi dù theo hệ thống pháp luật nào nhưng khi được áp dụng vào thực tiễn lại được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau dựa vào hoàn cảnh lịch sử cũng như thực tiễn pháp lý của hai dòng họ pháp luật Civil Law và Common Law.

1.2. Cơ sở, nguồn gốc hình thành án lệ

Thực chất, hệ thống các án lệ đã tồn tại như là một loại nguồn luật ở thời kỳ Jus Commune trong lịch sử Châu Âu lục địa[4]. Tuy nhiên cho đến thời kỳ đại pháp điển hóa pháp luật ở châu âu bắt đầu vào thế kỷ XIX,  tiêu biểu là ở Pháp, hệ thống án lệ với tư cách là nguồn luật được thừa nhận đã chính thức bị xóa bỏ để nhường chỗ cho vai trò của luật thành văn[5] . Nhưng phương pháp này bộc lộ nhiều hạn chế và cần có sự điều chỉnh do sự khái quát cao của luật thành văn không thể điều chỉnh hết các tình huống cụ thể phát sinh trên thực tế. Bởi sự hạn chế này thì thẩm phán đã trở thành người giải thích pháp luật trong từng bản án cụ thể và ở mỗi hệ thống pháp luật cụ thể thì sự giải thích pháp luật này ở một chuẩn mực, điều kiện nhất định được coi là án lệ. Án lệ thực chất là kết quả của quá trình giải thích pháp luật, tạo ra quyết định của tòa án.

2. Án lệ trong hệ thống pháp luật các quốc gia trên thế giới

2.1. Án lệ trong hệ thống pháp luật Pháp

2.1.1. Đặc trưng án lệ ở Pháp

Trong hệ thống pháp luật nước cộng hòa pháp án lệ không tồn tại giá trị bắt buộc. Án lệ ở Pháp được kiến tạo chủ yếu thông qua quyền giải thích pháp luật của thẩm phán, trong thực tiến án lệ của nước Pháp được các thẩm phán sử dụng như một nguồn của luật pháp đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự và hành chính. Án lệ trong hệ thống pháp luật của Pháp có được coi là một nguồn pháp luật hay không vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, khi về mặt pháp lý án lệ không đáp ứng đủ yêu cầu và không có hiệu lực pháp lí bắt buộc tuy nhiên trong thực tế xét xử án lệ vẫn được các thẩm phán sử dụng như một nguồn luật chính thống thông qua đó sáng tạo ra pháp luật. có thể khẳng định án lệ trong pháp luật nước cộng hòa Pháp có thể không phải một nguồn luật chính thức tuy nhiên nó chắc chắn là một nguồn luật thực tế.

2.1.2. Vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật Pháp

Án lệ nắm giữ một vai trò quan trọng trong thực tế xét sử tại Pháp, thông qua việc áp dụng án lệ giúp thẩm phán giải quyết được nhiều vấn đề pháp lí khi thiếu quy định cụ thể của luật, đồng thời đưa ra được những quy định về pháp luật mới. trong nhiều lĩnh vực pháp luật án vệ có nhiều vai trò khác nhau tuy nhiên vai trò án lệ thực sự nổi bật nhất là trong hai lĩnh vực dân sự và hành chính của nước Pháp. Trong hệ thống pháp luật nước cộng hòa Pháp hiện nay các văn bản pháp luật đã có từ rất lâu dù vẫn giữ một vai trò quan trọng và thể hiện được tính ưu việt của mình tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển đồng thời cũng xuất hiện nhiều vấn đề pháp lí mới nhưng thực tế luật lại không có quy định chi tiết rõ ràng hoặc có một số điều pháp luật không có quy định, do vậy án đã và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thông qua án lệ thẩm phán đóng vai trò giải thích luật, trong nhiều trường hợp thẩm phán sẽ bổ sung pháp luật. Thông qua án lệ sẽ bổ sung được những thiếu xót của bộ luật gốc đồng thời cải tiến và đổi mới các quy định cũ giúp cho pháp luật phù hợp với hoàn cảnh thực tế từ đó không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật.

2.2. Án lệ trong hệ thống pháp luật Đức

2.2.1. Bản chất án lệ Đức

Phải nhấn mạnh rằng, không giống với Pháp – một quốc gia với hệ thống pháp luật được coi là điển hình của họ pháp luật Civil Law, pháp luật Đức trong quá tình tiếp nhận những sự thay đổi về quan điểm pháp luật chưa bao giờ chính thức phủ nhận hay giới hạn vai trò của án lệ. Mãi đến năm 1900, Đức mới ban hành Bộ luật Dân sự, thế nhưng đến giữ thế kỷ XIX Tòa án Đức vẫn thực hiện việc công bố các bản án. Điều này cho thấy án lệ ngay cả trước và trong thời kỳ pháp điển hóa diễn ra mạnh mẽ ở Châu âu, dù chưa bao giờ được coi là nguồn luật cơ bản nhưng nó vẫn giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Đức và chưa bao giờ bị loại bỏ trong thực tiễn xét xử.

 

2.2.2. Vai trò án lệ trong hệ thống pháp luật Đức

Trải qua sự vận động với một tiến trình lịch sử như vậy, vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật và trong thực tiễn xét xử của Tòa Án Đức đã được khẳng định. Tuy nhiên, bởi không có truyền thống sử dụng án lệ trên cơ sở là nguồn pháp luật cơ bản, do đó để định hình được ví trí của án lệ trong hệ thống pháp luật các nước Civil Law không phải điều dễ dàng. Liệu án lệ của Đức có được thừa nhận là một nguồn pháp luật hay không? Thực chất nghi vấn này không được pháp luật Đức thể hiện một cách chính thống bằng luật thành văn, do vậy câu trả lời chỉ có thể được lý giải bằng thực tiễn áp dụng án lệ tại nước này.

Về hiệu lực của án lệ, Điều 31 của Luật Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức quy định “Các quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang có hiệu lực bắt buộc với các cơ quan của chính quyền liên bang và các tiểu bang cũng như tất cả những tòa án và các cơ quan nhà nước khác”.

Quyết định của Tòa án Hiến pháp ở đây có thể là trường hợp giải thích, làm rõ các quy định của luật thành văn; cũng có thể là những quyết định nhằm giải quyết các vấn đề còn gây tranh cãi sẽ trở thành án lệ cho sự áp dụng pháp luật. Như vây, dù không được ghi nhận trong Hiến pháp tuy nhiên hiệu lực bắt buộc của các quyết định thuộc Tòa án Hiến pháp Liên bang đã khằng định một đường lối xét xử thống nhất cho các Tòa án cấp dưới. Án lệ tuy không được ghi nhận một cách trực tiếp, rõ ràng trong văn bản pháp luật nhưng thực tiễn áp dụng cho thấy có thể chấp nhận việc án lệ được viện dẫn trong quyết định của Tòa án. Tòa án Hiến pháp CHLB Đức đã cho phép các tòa án trong quá trình xét xử được sử dụng nhiều loại nguồn luật khác nhau, trong đó bao gồm cả án lệ, thay vì chỉ thừa nhận một loại nguồn luật là các văn bản quy phạm pháp luật.

Có thể thấy, pháp luật Đức ngoại trừ án lệ của Tòa án Hiến pháp cộng hòa liên bang, không thừa nhận nguyên tắc Stare Decisis (nguyên tắc tuân thủ án lệ) như các nước thuộc hệ thống Thông Luật, do vậy mà sẽ không tìm thấy một văn bản nào trực tiếp ghi nhận hiệu lực bắt buộc của án lệ. Song thực tiễn lại chứng minh án lệ được áp dụng bằng một cách gián tiếp khi được viện dẫn trong xét xử thông qua các quy định pháp luật không phải Hiến Pháp.

Thực chất, Tòa án Hiến pháp cộng hòa liên bang Đức không chỉ khẳng định tính hợp pháp của việc các thẩm phán giải thích pháp luật, trong nhiều trường hợp Tòa án này còn củng cố vai trò sáng tạo pháp luật của thẩm phán: “trong trường hợp không có đầy đủ quy định pháp luật, các tòa án có thể tìm thấy luật thực chất bằng cách thừa nhận phương pháp tìm ra luật từ những nền tảng pháp luật và các luật có liên quan”. Chỉ bằng cách này những tòa án mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của họ được Hiến pháp trao cho để giải quyết tất cả những vụ việc trong tay họ một cách phù hợp. Bằng tuyên bố này, một mặt Tòa án Hiến pháp đã gián tiếp thừa nhận việc tạo ra pháp luật thông qua “phương pháp tìm ra luật” là một quyền năng của thẩm phán, một mặt khác lại khẳng định quy trình này không hề trái với Hiến pháp bởi lẽ đây chỉ là yêu cầu để thẩm phán có thể thực hiện nhiệm vụ mà Hiến pháp trao cho mà thôi.

Có thể thấy, về mặt chính thức án lệ không được ghi nhận như một nguồn luật và vẫn còn rất nhiều những tranh cãi xung quanh vấn đề bản chất án lệ Đức có phải là nguồn luật hay không. Tuy nhiên về mặt thực tiễn, không thể phủ nhận án lệ tồn tại, án lệ được xây dựng và án lệ được áp dụng.

3. Án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam

3.1. Đặc trưng án lệ ở Việt Nam

      Đầu tiên là về nguồn, án lệ Việt Nam được hình thành chủ yếu từ các chế định cụ thể.

Thứ hai là vai trò, án lệ ở Việt Nam không được coi là nguồn luật cơ bản, án lệ có vai trò làm rõ các cách hiểu khác nhau đối với quy định pháp luật. Thứ ba là tính bắt buộc, chỉ những vụ án có các tình tiết chưa được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã có quy định nhưng quy định này được hiểu theo nhiều cách khác nhau mới phải áp dụng án lệ. Thứ tư là quy trình lựa chọn và công bố án lệ, được quy định tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Thứ năm về hiệu lực áp dụng là sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Thứ sáu về nguyên tắc áp dụng án lệ sẽ bị xem xét loại bỏ nếu án lệ đó không còn phù hợp (luật đổi, điều kiện không còn phù hợp,…).

3.2. Vị trí, bản chất, vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Về bản chất Án lệ là những phán quyết của Tòa án mà chứa đựng những nguyên tắc pháp lý cơ bản nhằm điều chỉnh những thiếu sót, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật hoặc các quan hệ xã hội mới phát sinh gần đây mà pháp luật chưa thể điều chỉnh được. Vậy về bản chất án lệ xuất phát từ hoạt động bảo vệ pháp luật của cơ quan tư pháp.

Án lệ là một trong ba nguồn chủ yếu của pháp luật Việt Nam bên cạnh tập quán pháp và văn bản pháp luật, nhưng do bản chất là được hình thành từ quá trình xét xử của cơ quan tư pháp (không giống văn bản pháp luật được hình thành từ cơ quan lập pháp) nên án lệ chỉ được coi là một loại hình hỗ trợ văn bản pháp luật. Được sinh ra từ những thiếu sót, những lỗ hổng còn tồn tại của pháp luật, án lệ nghiễm nhiên có vai trò như một miếng vá che đi lỗ hổng đó.

4. So sánh những vị trí, vai trò của án lệ ở hệ thống pháp luật Việt Nam với hai nước Đức, Pháp.

4.1. Vị trí của án lệ trong hệ thống pháp luật

Tại Pháp, những phán quyết của Tòa phải mang tính cụ thể để áp dụng cho chính vụ án đó và không có ý nghĩa dẫn chiếu cho các vụ án khác. Ngay cả Tòa phá án về mặt lý thuyết cũng không được cho phép giải thích pháp luật. Các án lệ trước đó chỉ có giá trị tham khảo và không được trích dẫn phán quyết đó để làm cơ sở để đưa ra phán quyết thì sẽ bị hủy bỏ với lý do là không có cơ sở pháp lý. Ngay cả trong việc hủy các bản án của Tòa cấp dưới cũng không được dẫn chiếu bản án đó mà phải dẫn chứng ra các điều luật cụ thể hoặc các nguyên tắc pháp lý nhất định.

Tại Đức,trừ các án lệ trong Hiến Pháp thì các án lệ khác không phải là một nguồn luật có giá trị bắt buộc. Trong pháp luật Đức, về mặt nguyên tắc Tòa án ( trừ Hiến pháp ) không có quyền tạo ra pháp luật. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn áp dụng cho thấy vai trò của án lệ ngày càng được đề cao.

Tại Việt Nam, án lệ chủ yếu được hình thành dựa trên sự tôn trọng và dựa trên giá trị thuyết phục của bản án trong việc giải thích, bổ sung và sửa chữa những bất cập của văn bản quy phạm pháp luật; án lệ của Việt Nam không phải là nguồn pháp luật chủ đạo mà là nguồn pháp luật bổ trợ. Phân tích quy định về án lệ trong các luật và bộ luật có liên quan, đặc biệt là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể thấy rằng, án lệ không phải là một loại văn bản quy phạm pháp luật, không chứa đựng các quy phạm mà là một loại nguồn bổ trợ nhằm giải thích các quy phạm pháp luật, trong đó thể hiện quan điểm về việc nhận thức ý nghĩa và nội dung các quy phạm pháp luật cũng như đưa ra các giải pháp pháp lý cho những trường hợp cụ thể. Quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” đã chỉ ra mối quan hệ giữa án lệ và các văn bản quy phạm pháp luật.

      Như vậy, vị trí của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với án lệ ở các nước theo truyền thống dân luật như Đức, Pháp. Ở các nước thuộc hệ thống dân luật, luật thành văn cũng đóng vai trò chủ đạo, án lệ chỉ là một nguồn luật thứ yếu đóng vai trò bổ trợ và không có giá trị bắt buộc. Trong mối quan hệ với luật do cơ quan lập pháp ban hành thì án lệ luôn có hiệu lực thấp hơn. Đây là một đặc điểm nền tảng khi tiếp cận với khái niệm về án lệ ở các nước theo truyền thống dân luật.

4.2. Vai trò của án lệ

Trong lịch sử lập pháp thế giới, án lệ trong hệ thống dân luật( như Đức, Pháp) chỉ được coi là một nguồn luật thứ yếu trong hệ thống pháp luật dân sự. Án lệ không phải là một nguồn luật chính thức nhưng nó tồn tại một thực tế khách quan. Nó không có hiệu lực cưỡng chế mang tính như các nguồn luật chính thống nhưng lại mang tính tâm lý đối với các cơ quan áp dụng pháp luật, đặc biệt là thẩm phán và cũng là một nguồn hình thành các quy tắc ứng xử trong xã hội. Án lệ không phải là một nguồn bất thành văn vì nó không được cơ quan có thẩm quyền công nhận và ghi nhận.

Tại Việt Nam, vai trò của án lệ được tiếp cận qua “Tiêu chí lựa chọn án lệ” được quy định tại Khoản 1, 3 Điều 2 Nghị Quyết 04/2019/NQ-HĐTP. Theo đó, án lệ có thể có 2 vai trò sau: giải thích pháp luật khi các quy định bao hàm nhiều cách hiểu hoặc thiếu tường minh,  chỉ ra đường lối xét xử khi luật chưa quy định và  hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

 

Án lệ tại Việt Nam được hình thành chủ yếu dựa trên quá trình giải thích pháp luật của thẩm phán dưới công cụ phổ biến là phương pháp diễn dịch. Trong trường hợp quy định pháp luật không rõ ràng, các tranh chấp sẽ rất dễ bị rơi vào trường hợp mỗi thẩm phán sẽ xử theo một lý lẽ khác nhau bởi không có một quy chuẩn giải thích làm chuẩn mực. Như vậy, án lệ không chỉ có nhiệm vụ tường minh hóa quy định pháp luật, bổ sung những lỗ hổng của pháp luật mà còn phải đảm bảo một sự thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.

5. Một số kiến nghị về áp dụng án lệ ở Việt Nam

Thứ nhất vị trí án lệ trong thứ tự ưu tiên áp dụng nguồn luật, án lệ ở Việt Nam được xây dựng như một cách cụ thể hóa pháp luật thành văn khi giải thích mang đặc trưng giải thích dựa trên pháp luật đã có. Vì vậy án lệ cũng có thể coi là một dạng pháp luật thành văn được cụ thể hóa trong từng trường hợp. Tuy nhiên hiện nay việc áp dụng án lệ tại Việt Nam theo bộ luật dân sự 2015 hiện hành chỉ được sự dụng khi quy định pháp luật, tập quán, nguyên tắc pháp luật và tương tự pháp luật không thể trở thành căn cứ pháp lý. Luật thành văn được ưu tiên hàng đầu nên những án lệ giải thích cụ thể luật thành văn cũng nên được ưu tiên áp dụng sau đó.

Thứ hai về quyền của thẩm phán Việt Nam, hiện nay không có quy định nào về thẩm quyền này của thẩm phán. Theo pháp luật hiện hành, án lệ được tòa án tạo ra do sự ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên phạm vi ủy quyền còn rất hạn chế – chỉ dành cho Tòa án Tối cao. Án lệ nên được tạo ra bởi bất kỳ Tòa án hay thẩm phán nào thay vì phải qua một quy trình xét chọn, đề xuất của Tòa án Tối cao hay Thường vụ Quốc hội. Cần lưu ý rằng những án lệ không phải do Tòa án Tối cao ban hành không cần phải là những án lệ chính thức. Tuy không được coi là bản án chính thức tuy nhiên nó sẽ mang tính tham khảo cho những vụ án có tính chất tương tự trong tương lai. Ở Đức, Tòa án Hiến pháp CHLB có một vai trò rất lớn trong việc khuyến khích các thẩm phán của tòa án cấp dưới góp phần vào quá trình tạo ra án lệ, cho dù chỉ án lệ của Tòa Hiến pháp Liên bang mới có hiệu lực bắt buộc[6].

Thứ ba là cải thiện chất lượng của bản án, gia tăng tính bao quát, tuổi thọ của bản án. Án lệ ở hệ thống pháp luật Việt Nam có đăck trưng được hình thành từ việc lựa chọn, tổng hợp các bản án các cấp từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm. Về cơ bản án lệ tại Việt Nam chỉ đưa lại nội dung bản án và đưa ra nhận định về sai lầm của bản án được công bố trước đó để hình thành nên án lệ. Việc hình thành cấu trúc án lệ như hiện tại không mang tính tổng quát khi chỉ giải thích pháp luật trong một vụ án cụ thể mà không có sự bao hàm ( vd: trong án lệ số 01 nên đưa ra một kết luận mang tính áp dụng tổng quát như “nếu hậu quả chết người không xuất phát từ ý muốn chủ quan, không có quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm thì không bị kết tội giết người” ). Lập luận của thẩm phán nên được thể hiện nhiều hơn trong nội dung án lệ khi trong 10 án lệ đầu tiên thì chỉ có bản án số 2 và số 4 lập luận của thẩm phán mới được thể hiện rõ nét.

Từ góc độ so sánh về án lệ trong hệ thống pháp luật các nước Pháp, Đức và Việt Nam có thể nhận thấy mỗi mô hình án lệ vừa thể hiện đặc trưng của truyền thống pháp luật vừa mang tính lịch sử, văn hóa riêng biệt, vì vậy tạo nên những nét đặc trưng riêng về án lệ trong từng hệ thống pháp luật. Tuy lịch sử hình thành và phát triển khác nhau tuy nhiên hệ thống án lệ ở ba nước vẫn có điểm chung như án lệ chủ yếu dùng để tham khảo hay thẩm quyền của tòa án tối cao trong việc lựa chọn, hình thành bản án. Từ việc nghiên cứu và so sánh quan niệm pháp luật một số quốc gia trên thế giới theo hệ thống pháp luật Civil Law có thể rút ra được một số bài học cho Việt Nam trong việc hoàn thiện án lệ trong hệ thống tư pháp để án lệ được xem là một công cụ hữu ích trong ngành tư pháp Việt Nam trong tương lai.

  1. Điều 2 Nghị Quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ

Điều 2. Tiêu chí lựa chọn án lệ

            Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

  1. Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;
  2. Có tính chuẩn mực;
  3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
  4. Nguồn gốc ra đời án lệ ở Pháp

Sau khi bộ luật Dân sự 1804 của nước Pháp ra đời đặt nền móng cho các lĩnh vực luật công và luật tư ra đời và phát triển. Trong giai đoạn đầu, luật thành văn được các học giả luật gia đánh giá cao và ủng hộ bởi niềm tin vào sự ưu việt của nó. Tuy nhiên khi các quan hệ dân sự, thương mại, quốc tế ngày càng phát triển thì pháp luật lúc này dần không thể theo kịp, trong tòa án các thẩm phán gặp phải nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định thiếu chi tiết vào thực tế vụ việc thực tiễn. Trước bối cảnh này lý luận về án lệ của các học giả Pháp ra đời như một hệ quả tất yếu khách quan. trong hệ thống lý luận của Cộng hoà Pháp, án lệ được hình thành từ ba yếu tố bao gồm bản án, tiền lệ và yếu tố thống nhất hoá.

  1. Nguồn gốc hình thành án lệ ở Đức

Hệ thống pháp luật Đức là một trong những điển hình tiêu biểu của dòng họ pháp luật Civil law, sự thể hiện về án lệ trong hệ thống pháp luật nước này cũng được coi là một hình dung khá rõ nét cho quan điểm về án lệ ở thực tiễn pháp luật Dân luật. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, dù cùng một dòng họ pháp luật, song vai trò của án lệ trong thực tiễn pháp luật các nước thuộc Civil law là không giống nhau.

Dưới thời trị vì của Hoàng đế Severus đến Hoàng đế Justiana, án lệ từ giai đoạn được cho phép sử dụng rộng rãi để bù đắp những lỗ hổng của pháp luật đến khi bị lu mờ do các thẩm phán khi xét xử chỉ được dựa vào luật thành văn và cuối cùng là lại được khôi phục dưới chính sách của Hoàng đế Justiana. Trong trường hợp không có sẵn văn bản pháp luật, hay tập quán các thẩm phán Đức đã đóng vai trò chủ động trong áp dụng linh hoạt các nguyên tắc của Luật La Mã trong các vụ việc mà họ xét xử. Do vậy, có thể nói trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến thế kỷ thứ XVIII, án lệ đóng một vai trò quan trọng trong  pháp luật Đức.

Tuy nhiên bắt đầu từ thế kỷ thứ XVIII xuất hiện những quan điểm của trường phái luật tự nhiên và tư tưởng thẩm phán khi phát xử chỉ nên dựa vào các quy định của luật thành văn. Đặc biệt, sự xuất hiện của xu hướng pháp điển hóa đã tác động một ảnh hưởng không nhỏ tới pháp luật các nước Châu âu lục địa với tư tưởng đề cao sự phân định quyền lực trong bộ máy nhà nước và pháp luật phải và chỉ được là sản phẩm do cơ quan lập pháp ban hành.

  1. Nguồn gốc hình thành án lệ ở Việt Nam

            Nếu hiểu án lệ là đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Nếu xét như vậy thì ta có thể hiểu rằng án lệ xuất hiện khi có nhà nước và tồn tại một hệ thống pháp luật ở mức độ nhất định. Ở góc độ xét về bản chất của án lệ, thì án lệ đã xuất hiện từ những ngày đầu lập quốc tồn tại dưới dạng phỏng theo những ý chỉ mà vua đã đưa ra trước đó với các vụ án tương tự. Nếu xem xét một cách khắt khe hơn, án lệ được lần đầu xuất hiện trong bộ luật Hồng Đức – bộ luật đầu tiên của Việt Nam, điển hình nhất là tại hai điều 396 và điều 397. Trong thời kỳ Pháp thuộc,  án lệ được coi là nguồn của pháp luật Việt Nam, có vai trò tương đối quan trọng trong việc giải thích, bổ sung pháp luật thời bấy giờ dựa trên những văn bản có tính nguyên tắc của toà hành chính hoặc Toà án Tư pháp, trước năm 1884 các án lệ này chỉ được nhắc và ghi chép lịch sử mà chưa được biên tập, công bố.

  1. Vai trò trung tâm của Tòa án tối cao trong hình thành án lệ

Mô hình án lệ của Việt Nam và cả hai hệ thống Dân luật đều có điểm chung học thuyết về án lệ là hiệu lực của án lệ phụ thuộc vào thứ bậc vị trí của tòa án tạo ra nó. Theo lý thuyết, án lệ của tòa án tối cao bao giờ cũng có hiệu lực cao hơn các án lệ được tạo ra bởi các tòa án cấp dưới của nó trong cùng hệ thống tòa án. Trên thực tế chỉ có một số các Tòa án có thẩm quyền tạo ra án lệ.

Ở Pháp, chỉ có Tòa án Phá án, Hội đồng Nhà nước mới có quyền tạo ra án lệ. Còn ở Đức thì án lệ được xây dựng bởi Tòa án Hiến pháp Cộng Hòa Liên Bang có hiệu lực ràng buộc như luật. Ở Việt Nam, Tòa án Tối cao có vai trò trung tâm và duy nhất trong việc hình thành án lệ.

Như vậy, bản chất là một nguồn luật của án lệ đã được đảm bảo bởi luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiệu lực bắt buộc của án lệ đối với nghĩa vụ áp dụng của Tòa án trong quá trình xét xử lại càng là một căn cứ minh thị cho sự thừa nhận này.

Mô hình án lệ của Việt Nam và cả hai hệ thống Dân luật đều có điểm chung học thuyết về án lệ là hiệu lực của án lệ phụ thuộc vào thứ bậc vị trí của tòa án tạo ra nó. Theo lý thuyết, án lệ của tòa án tối cao bao giờ cũng có hiệu lực cao hơn các án lệ được tạo ra bởi các tòa án cấp dưới của nó trong cùng hệ thống tòa án. Trên thực tế chỉ có một số các Tòa án có thẩm quyền tạo ra án lệ.

Ở Pháp, chỉ có Tòa án Phá án, Hội đồng Nhà nước mới có quyền tạo ra án lệ. Còn ở Đức thì án lệ được xây dựng bởi Tòa án Hiến pháp Cộng Hòa Liên Bang có hiệu lực ràng buộc như luật. Ở Việt Nam, Tòa án Tối cao có vai trò trung tâm và duy nhất trong việc hình thành án lệ.

Như vậy, bản chất là một nguồn luật của án lệ đã được đảm bảo bởi luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiệu lực bắt buộc của án lệ đối với nghĩa vụ áp dụng của Tòa án trong quá trình xét xử lại càng là một căn cứ minh thị cho sự thừa nhận này.

– Gọi điện tới số điện thoại 0911.111.099 (Ls Phương) hoặc 0987.062.757 (Ls Băng) để trình bày nội dung vụ việc và nhận được tham vấn trực tiếp từ các Luật sư giàu kinh nghiệm

– Tư vấn pháp luật qua email: luatvietchinh@gmail.com

– Tư vấn pháp luật qua facebook: Luật Việt Chính

– Tư vấn pháp luật thông qua zalo: 0911.111.099

– Chúng tôi có thể trả lời tin nhắn trên website này.

Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc đến bạn đọc.

Trân trọng!

Bài viết liên quan