Ví dụ luận cứ bào chữa về tội Gây rối trật tự công cộng

VÍ DỤ LUẬN CỨ BÀO CHỮA VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Hiện nay, tội phạm bị truy cứu về tội “Gây rối trật tự công cộng” là tội phạm chiếm tỉ lệ cao trong các tội phạm hình sự nói chung, nguyên nhân phần lớn là do người dân chưa nhận thức được hành vi nguy hiểm của tội danh này. Điều đáng buồn hơn nữa là lứa tuổi học sinh là một trong những thành phần chiếm tỉ lệ khá lớn trong các tội phạm bị truy cứu về tội danh này. Trong quá trình hành nghề, đội ngũ Luật sư của Luật Việt Chính đã trải qua nhiều vụ án về tội Gây rối trật tự công cộng; có cơ hội tiếp xúc, làm việc và bảo vệ các thân chủ là bị cáo trong các vụ án này.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Luật Việt Chính sẽ cung cấp tới Quý độc giả một bản luận cứ bào chữa cho thân chủ là bị cáo đang trong độ tuổi chưa thành niên. Hi vọng bài viết của chúng tôi sẽ giúp Quý độc giả có thêm tư liệu để phục vụ quá trình học tập và hành nghề.

Mẫu luận cứ bào chữa trong vụ án Gây rối trật tự công cộng

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hải Phòng, ngày … tháng … năm ….

BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA

– Kính thưa Hội đồng xét xử;

– Kính thưa Viện kiểm sát;

– Cùng toàn thể mọi người có mặt ngày hôm nay.

Tôi – Luật sư ……………….. – Luật sư Công ty Luật ………………… thuộc Đoàn ……………………. Theo yêu cầu của bị cáo và được sự đồng ý của tòa án nhân tỉnh/thành phố …………, tôi tham gia phiên toà xét xử hôm nay với tư cách người bào chữa cho Bị cáo L – bị truy tố về Tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Kính thưa HĐXX sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, qua phần xét hỏi tranh luận công khai tại phiên tòa ngày hôm nay, tôi xin nêu ra quan điểm bào chữa cho thân chủ của tôi để làm cơ sở đề nghị hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét, ghi nhận khi lượng hình để có một bản án công minh, khách quan, hợp tình, hợp lý đối với hành vi phạm tội của thân chủ tôi. Có thể nói nội dung của Bản cáo trạng đã có một số điểm hợp lý, xứng đáng được ghi nhận nhưng vẫn còn tồn tại nhiều nội dung chưa được thỏa đáng, chưa đánh giá đúng mực về hành vi phạm tội của thân chủ tôi. Có thể do vụ án có nhiều bị cáo mà nội dung của bản cáo trạng quá vắn tắt, vô hình chung đã nghiêm trọng hóa hành vi của bị cáo Lộc. Tôi xin được tóm tắt hành vi mà thân chủ của tôi đã thực hiện như sau: Tối ngày 23/3/2023, thân chủ tôi được Lương Đức L rủ đi đánh nhau với nhóm Quang Phục. Thân chủ của tôi chở Lương Đức L và Nguyễn Trí N đến cầu ông T. Sau đó, nhóm Quang Phục tới cầu ông Thạc thực hiện hành vi ném chai thủy tinh thì thân chủ của tôi đã lập tức bỏ chạy, không quay lại, không truy đuổi, không phản kích, không tấn công bất cứ ai. Tất cả chỉ dừng ở đó, thân chủ của tôi không có bất cứ vi phạm nào khác. Trên cơ sở đó, tôi xin được nêu những luận điểm sau đây:

1. Về tội danh

Theo cáo trạng số ………………… ngày …………….của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố ………, bị cáo L bị truy tố về tội danh “Gây rối trật tự công cộng”. Hồ sơ của vụ án tương đối thống nhất, bị cáo L cũng đã thành khẩn khai nhận nên Luật sư không có ý kiến về tội danh.

2. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Theo Cáo trạng, bị cáo L không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Luật sư đồng ý và không có bất cứ ý kiến nào khác.

3. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Theo cáo trạng, bị cáo L được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo quy định tại điểm s, khoản 1, điều 51 Bộ luật hình sự. Luật sư đồng ý với nhận định này. Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư, bị cáo L còn được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác như sau:

“Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i, khoản 1, điều 51 Bộ luật hình sự: Theo lý lịch được ghi nhận, bị cáo L chưa từng phạm tội nên đương nhiên thuộc trường hợp “Phạm tội lần đầu”. Mặc dù tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 2, Điều 318, Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng nhưng bị cáo L có vị trí, vai trò thứ yếu khi không tham gia bàn bạc, không lập kế hoạch, không tham gia từ đầu, không thực hiện các hành vi tấn công, truy đuổi. Bị cáo L chỉ chở bạn lên tụ tập tại cầu ông Thạc và khi bị nhóm Quang Phục tấn công, bị cáo L đã lập tức bỏ chạy, không có thêm bất cứ hành vi vi phạm nào khác. Khoản 4, mục I, Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm thì vẫn là phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Do vậy, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo L được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i, khoản 1, điều 51 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp Hội đồng xét xử không cho bị cáo L được hưởng tình tiết này thì mong Hội đồng xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ bị cáo “Phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt” để có thể áp dụng theo khoản 2, điều 51 Bộ luật hình sự.

Tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, điều 51, Bộ luật hình sự: Ông ngoại của bị cáo L là ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1954, mất năm 2020. Ông Nguyễn Văn K là thương binh và đã tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Ông ngoại của bị cáo Lộc đã hi sinh một phần xương máu cho Tổ quốc, góp phần mang lại sự bình yên cho tất cả chúng ta. Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn giới hạn các tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự công tâm, thấu tình đạt lý của những người cầm cân nảy mực nên rất mong Hội đồng xét xử lưu tâm xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2, điều 51, Bộ luật hình sự.

4. Về các yếu tố khác để xem xét hình phạt

Đánh giá đúng mực về vai trò, vị trí của bị cáo so với các đồng phạm khác: Trong vụ án này, các bị cáo có vai trò, vị trí khác nhau. Có những bị cáo thực hiện hành vi hẹn đánh nhau, có bị cáo tích cực lập kế hoạch, chuẩn bị hung khí, thực hiện hành vi tấn công, truy đuổi, thám thính rất quyết liệt nhưng cũng có những bị cáo có vai trò, vị trí thứ yếu, không đáng kể như thân chủ của tôi. Điều 58 Bộ luật hình sự quy định: “Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.” Có thể nói, bị cáo L là một trong những bị cáo có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể, mờ nhạt nhất trong vụ án này nên rất mong Hội đồng xét xử lưu tâm để quyết định mức hình phạt tương xứng.

Bị cáo L dưới 18 tuổi: Bị cáo L sinh ngày 21/5/2005 tức là chưa đủ 18 tuổi nên phải cho bị cáo Lộc được hưởng những chính sách khoan hồng của nhà nước đối với người phạm tội là người chưa thành niên. Cháu L vốn là học sinh tiên tiến, hạnh kiểm tốt và chưa từng được kỷ luật. Nếu không có vụ việc này thì hôm nay cháu đang ngồi trên lớp học chứ không phải tại đây. Ai cũng có thể mắc sai lầm, đặc biệt là tuổi trẻ bồng bột. Đây cũng là bài học đắt giá dành cho cháu L cũng như tất cả chúng ta. Với tính chất hành vi của cháu L mà phải chịu một mức án quá nặng thì có nguy cơ phá hỏng tương lai của cháu. Cháu L có lỗi nhưng lỗi không phải chỉ của riêng cháu mà có thể còn thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Mẹ cháu L vì mưu sinh mà phải đi làm xa, bố cháu mắc bệnh tiểu đường cũng phải chật vật đầu tắt mặt tối để kiếm tiền lo cho gia đình, chữa bệnh cho bản thân và bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, không có thời gian chăm lo bảo ban cháu. Về phía nhà trường, từ khi xảy ra vụ việc cho đến khi cháu L bị tạm giam, tức là khoảng gần 7 tháng mà nhà trường không biết gì, mặc dù trong khoảng thời gian đó, cũng có một vài trường hợp học sinh bị bắt tạm giam. Khi cháu bị tạm giam, nhà trường cũng không có bất cứ một động thái, một ý kiến nào cho thấy vai trò của thầy cô. Chưa kể xã hội hiện nay tràn lan những thứ văn hóa phẩm độc hại, tuyên truyền, tôn sùng về thứ được gọi là nghĩa khí giang hồ, khí chất đại ca, chính những thứ đó, một phần nào cũng đã tiêm nhiễm vào trong ý thức non nớt của các bạn trẻ. Nói như vậy không phải là để trách móc, để quy chụp trách nhiệm mà để thấy rằng sự việc xảy ra có nguồn gốc sâu xa không phải chỉ từ bản thân các cháu. Cháu L cũng bị tạm giam đến ngày hôm nay là 122 ngày rồi. Quãng thời gian ấy đã là một cái giá quá đắt và theo tôi là đủ để cháu hối lỗi, quyết tâm trở thành một con người có ích cho xã hội.

5. Đề nghị

Căn cứ điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP được sửa đổi bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và điều 65 Bộ luật hình sự, bị cáo L có thể có đủ điều kiện để được hưởng án treo. Cụ thể như sau:

  • Bị xử phạt tù không quá 03 năm (nội dung này do Hội đồng xét xử quyết định)
  • Có nhân thân tốt
  • Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
  • Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
  • Không nằm trong những trường hợp không cho hưởng án treo.

Do vậy, tôi xin đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc để cho bị cáo Phạm Phúc L được hưởng án treo theo quy định.

Thưa Hội đồng xét xử! Trên đây là toàn bộ quan điểm của tôi, kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết để ra một bản án khách quan, công minh theo đúng quy định pháp luật. Tôi xin chân thành cảm ơn!

                                                                                          Luật sư

 

 

Đọc thêm: Tội Gây rối trật tự công cộng là gì?

Trên đây là bài viết của Luật Việt Chính về ví dụ Luận cứ bào chữa cho tội Gây rối trật tự công cộng, Quý độc giả cần tư vấn trực tiếp liên hệ tới hotline 0911.111.099 hoặc 0987.062.757

 

 

                                                                            

Bài viết liên quan