Chồng cưới vợ mới có được giành lại quyền nuôi con không

CHỒNG CƯỚI VỢ MỚI CÓ ĐƯỢC GIÀNH LẠI QUYỀN

NUÔI CON KHÔNG

Câu hỏi: Chào luật sư, tôi và chồng tôi thuận tình ly hôn từ đầu năm 2023. Chúng tôi có một người con chung năm nay được 8 tuổi, cháu đang ở với bố. Tôi có nghe nói sang tháng chồng cũ của tôi sẽ cưới vợ mới, tôi muốn đưa cháu về ở cùng tôi vì sợ mẹ kế sẽ không yêu thương cháu. Luật sư cho tôi hỏi, tôi có được đưa cháu về nuôi không ạ?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ, Tòa án sẽ tiến hành xem xét giải quyết và có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Ai có quyền yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Theo quy định tại khoản 1 Điểu 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, những người có quyền được yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là:

– Cha;

– Mẹ;

– Người thân thích;

– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

– Hội liên hiệp phụ nữ.

Như vậy, theo quy định nêu trên, bạn là mẹ của cháu bé do đó bạn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Tham khảo: Sống thử nếu có con thì ai sẽ có quyền nuôi con?

Căn cứ thay đổi nguời trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

“2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Như vậy theo quy định trên, hiện nay pháp luật không có quy định về việc bố cưới vợ mới là căn cứ để thay đổi người nuôi con trực tiếp. Do đó, để có thể giành lại quyền nuôi con bạn cần phải có một trong hai căn cứ:

– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 Để thuận tiện nhất trong việc giành lại quyền nuôi con thì bạn nên thỏa thuận với chồng cũ của bạn về vấn đề này. Cả hai bên nêu tự thỏa thuận với nhau, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho cả hai. Trường hợp hai bên không thể tự thỏa thuận được bạn cần phải tiến hành thu thập các chứng cứ chứng minh chồng bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Bạn có thể liên hẹ UBND phường nuôi con bạn đang cứ trú, xin xác nhận của hàng xóm xung quanh, xác nhận của giáo viên chủ nhiệm của cháu.

Trong trường hợp của bạn, con của bạn đã được 8 tuổi, theo quy định của pháp luật: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.” Như vậy, bạn nên tiến hành lấy ý kiến nguyện vọng của con nếu con muốn ở với mẹ. Lưu ý, việc lấy ý kiến này phải do con tự nguyện và con tự viết bằng văn bản. Đây là một trong những nguồn chứng cứ vô cùng quan trọng để Tòa án xem xét và ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải chuẩn bị các tài liệu chứng cứ chứng minh bạn đủ điều kiện để nhận nuôi con, ví dụ như sau:

– Hợp đồng lao động, bảng lương hàng tháng;

– Chỗ ở ổn định lâu dài: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có nhà riêng), hợp đồng cho ở nhờ (nếu sống cùng bố mẹ đẻ), hợp đồng thuê nhà dài hạn (nếu ở thuê),…

– Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức,…

Tham khảo: Ly hôn ai được quyền ưu tiên nuôi con

Thủ tục giành lại quyền nuôi con sau ly hôn

– Trường hợp thỏa thuận được: đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp huyện (Cấp tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài) nơi đứa trẻ đang cư trú;

– Trường hợp các bên không thể thỏa thuận: nộp đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp huyện (Cấp tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài) nơi đứa trẻ đang cư trú.

Hồ sơ yêu cầu/khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

– Đơn yêu cầu/khởi kiện về việc thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn;

– Bản án ly hôn (đối với trường hợp ly hôn đơn phương) hoặc Quyết định công nhận thuận tình ly hôn (đối với trường hợp ly hôn thuận tình);

– Bảo sao giấy khai sinh của con;

– Bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người yêu cầu/khởi kiện;

– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh có căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con (trường hợp khởi kiện).

Trân trọng!

Bài viết liên quan