Có được đứng tên giấy khai sinh cho con riêng

CÓ ĐƯỢC ĐỨNG TÊN GIẤY KHAI SINH CHO CON RIÊNG

Câu hỏi: Anh ơi, em ngoại tình với vợ của thằng bạn, giờ con sinh ra giống em lắm. Em không đành lòng để người khác làm bố con em. Em muốn được đứng tên trên giấy khai sinh của con thì cần làm gì ạ? Em có bị xử phạt gì về hành vi ngoại tình trên không ạ?

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Đứng tên cho con trong giấy khai sinh

Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 88. Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Như vậy, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc trong thời gian 300 ngày kể từ ngày chấm dứt hôn nhân thì được xác định là con chung của hai vợ chồng. Đồng nghĩa với việc trên giấy khai sinh của cháu bé sẽ thể hiện tên cha là người chồng hợp pháp trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Do vậy, nếu bạn muốn nhận con và đăng ký khai sinh cho con theo họ của bạn thì bạn cần phải chứng minh quan hệ cha con với đứa nhỏ và thực hiện nộp đơn khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân cấp quận/huyện/thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh nơi con bạn cư trú để yêu cầu tòa án giải quyết.

Tham khảo: Điều kiện và thủ tục nhận nuôi con nuôi

2. Chứng minh quan hệ cha con như thế nào?

Để chứng minh quan hệ cha con thì cần chuẩn bị một số loại giấy tờ:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc văn bản của cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con.

+ Nếu không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con thì các bên nhận cha con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha con, trong đó có ít nhất hai người làm chứng…

Trên thực tế, để chứng minh quan hệ cha con bạn chỉ cần tiến hành xét nghiệm AND để chứng minh quan hệ huyết thống giữa bạn và đứa nhỏ.

3. Pháp luật có chế tài gì đối với người ngoại tình?

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

2. Cấm các hành vi sau đây:

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

Theo quy định trên pháp luật nghiêm cấm hành vi chung sống với nhau như vợ chồng đối với người đang có chồng, vợ. Hành vi “chung sống như vợ chồng” là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống này thường được chứng minh bằng việc ở cùng nhà, có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung… và đã bị nhắc nhở mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Hiện nay, rất nhiều người đang bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm “ngoại tình” và “chung sống như vợ chồng”. Pháp luật không có quy định về khái niệm “ngoại tình” bởi đó là khái niệm rất rộng, trong đó “chung sống như vợ chồng” với người khác khi đang trong quan hệ hôn nhân được coi là một dạng của ngoại tình.

Trường hợp hai người đang trong mối quan hệ vợ chồng nhưng người chồng hoặc vợ có rung động, nhắn tin, gọi điện hay thậm chí chỉ cần có những cử chỉ, ánh mắt trìu mến với người khác giới thì cũng được xem là ngoại tình. Tuy nhiên, hành vi ngoại tình đó mới ở mức “lỗi”, chưa thể xử phạt theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hai người ngoại tình, đi nhà nghỉ, ăn ngủ với nhau, thì cũng rất khó bị xử phạt hành chính bởi hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định chế tài để xử phạt các hành vi ngoại tình mà hành vi đó chưa đến mức độ “chung sống như vợ chồng”. Mặc dù pháp luật chưa quy định chế tài xử lý nhưng đây vẫn là hành vi vi phạm đạo đức, xã hội.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, vì hai bạn không chung sống với nhau như vợ chồng nên hiện nay rất khó để xác định chế tài xử phạt đối với hành vi của bạn. Tuy nhiên, hành vi của bạn là trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa gia đình Việt, vì vậy bạn nên chấm dứt hành vi trên.

Tham khảo: Thủ tục khai sinh và nhận cha, mẹ cho con

Cảm ơn bạn rất nhiều đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Nếu còn thắc mắc và khó khăn gì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ trực tiếp.

Bài viết liên quan