Gây rối hoạt động kinh doanh bị xử lý như thế nào?

GÂY RỐI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO ?

Xã hội phát triển giúp cho hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Quán ăn, quán cafe, tiệm làm tóc,…là những hình ảnh mà bất kỳ ai cũng đều dễ dàng bắt gặp mỗi ngày. Các loại hình kinh doanh ngày càng đa dạng về số lượng dẫn đến tỉ lệ cạnh tranh giữa những chủ thể kinh doanh cũng gia tăng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tồn tại không ít những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi gây rối kinh doanh giữa các chủ thể. Vậy những hành vi gây rối như trên hiện nay được giải quyết, xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây của chúng tôi xin được làm rõ vấn đề trên.

Về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh

Gây rối hoạt động kinh doanh là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà pháp luật cấm. Căn cứ theo khoản 4 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2019, có thể hiểu hành vi gây rối hoạt động kinh doanh là hành vi với mục đích nhằm làm cản trở, gián đoạn hoạt động kinh doanh của chủ thể khác. Trong đó, hành vi gây rối này có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến việc cản trở kinh doanh. Đối tượng hướng đến của hành vi là đối thủ cạnh tranh cụ thể trên cùng thị trường liên quan hoặc trên cùng một ngành, lĩnh vực kinh doanh với chủ thể của hành vi gây rối.

Ví dụ: những hành vi như đập phá trụ sở buôn bán của doanh nghiệp khác; gây nhiễu loạn hệ thống điện tử xử lý đơn đặt hàng; làm trục trặc nguồn điện kinh doanh của doanh nghiệp khác…đều có thể được coi là hành vi gây rối hoạt động kinh doanh.

Tham khảo thêm: Thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh

Về xử lý hành vi gây rối hoạt động kinh doanh

Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 75/2019 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh,

Hiện nay, hình thức xử lý chính được áp dụng với hành vi gây rối hoạt động kinh doanh là hình thức phạt tiền. Cụ thể, căn cứ theo Điều 19 Nghị định 75/2019 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, tùy thuộc vào phạm vi và cách thức thực hiện của hành vi gây rối, mức phạt tiền được áp dụng trong các trường hợp là khác nhau.

– Với hành vi gây rối được thực hiện trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

– Với hành vi gây rối được thực hiện trên hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

+ Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi trực tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, bên cạnh việc bị phạt tiền, chủ thể thực hiện hành vi gây rối hoạt động kinh doanh còn có thể phải chịu hình thức bổ sung như:

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực thi hành;

– Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

– Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hy vọng sẽ mang lại cho bạn những thông tin bổ ích.

Chúc bạn thành công trong cuộc sống!

Trân trọng!

Bài viết liên quan