Phân biệt sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn

PHÂN BIỆT SỬ DỤNG HÓA ĐƠN KHÔNG HỢP PHÁP VÀ SỬ DỤNG KHÔNG HỢP PHÁP HÓA ĐƠN

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi là chủ của DNTN, ngày 20/10/2021 tôi nhận được quyết định xử phạt của cơ qua thuế về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp với số tiền phạt là 430.745.869 đồng. Thực tế, các hóa đơn công ty chúng tôi sử dụng đều là hóa đơn do Bộ tài chính cấp, còn hiệu lực, có hợp đồng mua bán, chứng từ, số lượng hàng hóa rõ ràng. Tôi đã làm đơn khiếu nại nhưng không được chấp nhận. Như vậy, luật sư cho tôi hỏi cơ quan thuế ra quyết định xử phạt doanh nghiệp của tôi như vậy là đúng hay sai, nếu sai tôi nên làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, hiện nay vẫn còn rất nhiều người nhầm lẫn giữa việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Hai hành vi này đều là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên mức độ xử phạt của hai hành vi trên là hoàn toàn khác nhau. Do đó, khi có hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn cần phải phân biệt rõ mình đang vi phạm pháp luật về cái gì.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Nghị định số 125/2020/NĐ-CP

HÀNH VI SỬ DỤNG HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ KHÔNG HỢP PHÁP LÀ GÌ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau:

– Hóa đơn, chứng từ giả;

Tham khảo thêm: Mẫu tư vấn dịch vụ pháp lý mở Trung tâm phòng dạy Yoga Kid

– Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết hạn sử dụng;

– Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;

– Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;

– Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

Như vậy, khi có hành vi vi phạm về việc sử dụng hóa đơn nếu thuộc các trường hợp nêu trên thì được coi là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp. Một trong những trường hợp dễ dàng nhận biết vi phạm về sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp đó là việc sử dụng hóa đơn, chứng từ giả.

Phân biệt sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn

HÀNH VI SỬ DỤNG KHÔNG HỢP PHÁP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ LÀ GÌ?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau:

– Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

– Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

– Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

– Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

– Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

– Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

Như vậy, khi có hành vi vi phạm về việc sử dụng hóa đơn nếu thuộc các trường hợp nêu trên thì được coi là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ. Hiện nay, hành vi này diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ khống.

Tham khảo thêm: Mẫu đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc đất

Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp hay sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần phải lưu ý trong việc sử dụng hóa đơn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, trong trường hợp của bạn, theo như bạn cung cấp hóa đơn mà doanh nghiệp bạn được xuất là hóa đơn thật do bộ tài chính phát hành, còn hiệu lực, có thì bước đầu có thể nhận định rằng đây là hóa đơn hợp pháp. Ngoài ra việc mua bán hàng hóa của doanh nghiệp bạn là có thật có hợp đồng, số lượng, nội dung hàng hóa,… và việc xuất hóa đơn là thật, do đó không thể xem đât là hóa đơn giả, hay hóa đơn khống được. Vì vậy, trên cơ sở những gì bạn cung cấp thì có khẳng định không có căn cứ xử phạt hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp đối với doanh nghiệp của bạn. Bạn cũng cần lưu ý về hóa đơn có sai sót, hay tẩy xóa gì không vì có thể doanh nghiệp bạn đang vi phạm về hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Trường hợp bạn đã làm đơn khiếu nại nhưng không được chấp nhận, thì bạn có thể tiến hành thủ tục khởi kiện hành chính, yêu cầu hủy quyết định trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bài viết liên quan