Quy định về mức lương tối thiểu vùng hiện nay

QUY ĐỊNH VỀ MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG HIỆN NAY

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng hiện nay là bao nhiêu?

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ Luật Lao động năm 2019;

– Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG HIỆN NAY

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định tại Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, cụ thể:

Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Vùng Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I 4.680.000 22.500
Vùng II 4.160.000 20.000
Vùng III 3.640.000 17.500
Vùng IV 3.250.000 15.600

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay

Theo quy định của pháp luật Lao động, mức lương tối thiểu mà người sử dụng lao động trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Tùy vào từng địa bàn mà áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật. Trường hợp người sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì đây là hành vi làm trái quy định của pháp luật và bị xử phạt hành chính.

Tham khảo: Thử việc nghỉ không thông báo có được trả lương?

Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV:

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:

– Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

– Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

– Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

– Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

– Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

– Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Như vậy, không phải một công ty có thể áp dụng một mức lương tối thiểu vùng chung cho toàn bộ mà phải tùy thuộc vào từng địa bàn hoạt động kinh doanh cụ thể mà người sử dụng lao động sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng phù hợp theo quy định của pháp luật.

ÁP DỤNG MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, việc áp dụng mức lương tối thiểu được thực hiện như sau:

Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

+ Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

+ Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

Có thể thấy, quy định về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng giúp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Giúp người lao động được đảm bảo ổn định cuộc sống.

Tham khảo: Mức lương thử việc được áp dụng hiện nay như thế nào

MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG THEO QUY ĐỊNH MỚI NHẤT

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024 để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Khi lương tối thiểu vùng theo tháng tăng, lương tối thiểu vùng theo giờ cũng tăng theo.

Với mức tăng trên, mức lương tối thiểu vùng theo giờ được áp dụng từ ngày 1/7/2024, cụ thể:

Vùng 1 tăng từ 22.500 đồng/giờ lên lên khoảng 23.800 đồng/giờ;

Vùng 2 tăng từ 20.000 đồng/giờ lên khoảng 21.000 đồng/giờ;

Vùng 3 tăng từ 17.500 đồng/giờ lên khoảng 18.600 đồng/giờ;

Vùng 4 tăng từ 15.600 đồng/giờ lên khoảng 16.600 đồng/giờ.

Bên cạnh đó, địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ có sự thay đổi so với quy định trước đây. Do đó, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình người lao động theo dõi góp ý kiến trước khi Nghị định về tiền lương tối thiểu vùng sẽ được ban hành.

CÔNG TY TRẢ LƯƠNG THẤP HƠN MỨC TỐI THIỂU VÙNG BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Trường hợp công ty trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty vi phạm về quy định tiền lương sẽ bị xử phạt như sau:

“3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

….

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.”

Tham khảo: Công ty không ký hợp đồng với người lao động có được không?

Như vậy, cá nhân có hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Đối với tổ chức có hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng tùy vào số lượng người lao động bị trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Ngoài việc bị phạt tiền, công ty còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất sẽ được tính theo mức lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm doanh nghiệp bị xử phạt.

Bài viết liên quan