Vi phạm quy định về an toàn lao động bị xử lý như thế nào ?

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

 

   Hiện nay, số vụ tai nạn lao động xảy ra ngày càng nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Một trong các nguyên nhân chính gây ra tai nạn đó là do người lao động không được đảm bảo về an toàn lao động khi làm việc. Vậy vi phạm quy định về an toàn lao động sẽ bị xử lý như thế nào ? Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. An toàn lao động là gì?

   Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, an toàn lao động là: “An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động”

   Như vậy có thể hiểu an toàn lao động là các giải pháp tất yếu, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm xung quanh trong quá trình người lao động làm việc; để các yếu tố nguy hiểm đó không tác động đến người lao động, đồng thời bảo vệ người lao động khỏi các tình huống, nguy cơ xảy ra thương tật, tử vong.

   Pháp luật quy định rõ việc người sử dụng lao động có nghĩa vụ đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, đóng bảo hiểm TNLĐ – BNN cho người lao động. Khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải là người có trách nhiệm điều tra, xác minh nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Nếu vụ việc có tính chất nghiêm trọng, hành vi của người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

   An toàn vệ sinh lao động có vai trò vô cùng to lớn bởi khi các cá nhân tổ chức thực hiện tốt an toàn lao động thì người lao động sẽ được bảo đảm quyền làm việc trong điều kiện an toàn.

An toàn lao động ( Minh họa )

2. Quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm an toàn lao động

   Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc, hành vi vi phạm an toàn lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính:

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động như sau:

“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không xây dựng, ban hành hoặc không tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc khi xây dựng không lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở;

b) Không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động nhưng người đó không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; không bố trí bộ phận hoặc người làm công tác y tế hoặc không ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định hoặc bố trí người làm công tác y tế nhưng người đó không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Không bố trí đủ lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc theo quy định;

d) Không tổ chức huấn luyện cho lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc hoặc tổ chức huấn luyện nhưng không đảm bảo theo quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo quy định;

b) Không trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định;

c) Không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc;

d) Không lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Không điều tra tai nạn lao động thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật; không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động; không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hoặc khai báo sai sự thật sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng;

e) Không bảo đảm đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;

g) Không trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để đảm bảo ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng hoặc gây tai nạn lao động.

4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ cho người lao động quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy, theo quy định trên, các mức xử phạt hành vi vi phạm an toàn lao động có thể phạt tiền từ 500.000 đồng đến 70.000.000 đồng tùy theo từng mức độ sự việc.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Tham khảo thêm: Quyền lợi của người lao động

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Căn cứ theo Điều 295 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác như sau:

“1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơthể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy theo quy định trên, cá nhân vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người, làm chết người, gây thương thích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe, gây thiệt hại về tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 12 năm. Cá nhân còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 CẤU THÀNH TỘI PHẠM CỦA TỘI NÀY BAO GỒM CÁC YẾU TỐ SAU:

– Khách thể: Khách thể của Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác xâm phạm đến những quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Đó là những quy định nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động và mọi công dân.

– Mặt khách quan:

Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thực hiện trong các hành vi khách quan sau đây:

+ Hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động;

+ Hành vi vi phạm quy định về vệ sinh lao động;

+ Hành vi vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác.

Mỗi loại hành vi vi phạm sẽ có quy định khác nhau trong từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Ví dụ các hành vi vi phạm:

  • Không đảm bảo các điều kiện an toàn trong bảo hộ lao động như trang bị mũ bảo hộ, thiết bị đai an toàn, lưới an toàn, rào chắn…
  • Không có các hướng dẫn quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người cho người lao động.
  • Đưa vào các trang thiết bị bảo hộ lao động không đạt chuẩn, kém chất lượng.

Tham khảo thêm: Công ty không ký hợp đồng với người lao động có được không?

– Mặt chủ quan: 

+ Tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý (do tự tin hoặc do cẩu thả), người phạm tội nhận thức được những hành vi vi phạm của mình nhưng cho rằng hậu quả không thể xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được hoặc do cẩu thả mà không nhận thức được hậu quả của hành vi mà phải thấy trước hoặc buộc phải thấy trước.

+ Còn với trường hợp tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý mà vi phạm các quy định trên gây ra hậu quả nghiêm trọng thì xem xét truy cứu TNHS ở các tội phạm tương ứng như tội cố ý gây thương tích, tội cố ý làm chết người…

– Chủ thể: Chủ thể của tội phạm là chủ thể thường hoặc chủ thể đặc biệt. Cả hai chủ thể này đáp ứng đủ điều kiện là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật. Riêng đối với chủ thể đặc biệt, người đó phải là người có trách nhiệm trong việc chỉ đạo hoặc thực hiện các quy trình về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

Hậu quả là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm. Hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có các tình tiết sau:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 Mối quan hệ nhân quả là dấu hiệu bắt buộc để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi của người phạm tội phải gây ra hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, an toàn của người lao động.

Khung hình phạt:

   Theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có khung hình phạt đối với Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác như sau:

   Khung 1: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;

   Khung 2: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm;

   Khung 3: bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm;

   Khung 4: phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với các hậu quả không được ngăn chặn kịp thời quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều này;

   Hình phạt bổ sung: có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Bài viết liên quan