Quy định pháp luật về hành vi bạo lực gia đình

BẠO LỰC GIA ĐÌNH LÀ GÌ ? TỐ GIÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở ĐÂU?

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH 

 

Gia đình là một phần của xã hội, ai cũng mong muốn xây dựng một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp vi phạm quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Trong đó, tình trạng bạo lực gia đình đang xảy ra ngày càng phổ biến và vẫn còn tiếp diễn gây nhiều ảnh hưởng xấu đến xã hội hiện nay. Vậy bạo lực gia đình là gì, tố giác hành vi bạo lực gia đình ở đâu? Hãy cùng Luật Việt Chính tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. BẠO LỰC GIA ĐÌNH LÀ GÌ?

Theo quy định tại Khoản 1, điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022, cụ thể:

“1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.

Như vậy, có thể thấy bản chất của bạo lực gia đình đó là gây ra các tổn hại nhất định đến các thành viên trong gia đình, tổn hại này có thể là về sức khỏe, về tinh thần hoặc về tài sản, tâm lý…

Bạo lực gia đình gồm những hành vi: Căn cứ tại điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, cụ thể:

Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình

1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

2. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định của Luật, có 16 biểu hiện của hành vi bạo lực gia đình. Trong đó có thể nhận diện bạo lực gia đình ở những hình thức chủ yếu sau:

– Bạo lực về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.

– Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.

– Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lao động…).

– Bạo lực về tình dục: là tất cả các hành vi mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con. Bạo lực về tình dục là vấn đề khá tế nhị, người ta thường hay giấu nhưng nó xảy ra khá nhiều và gây hậu quả làm đổ vỡ gia đình.

Đối tượng bạo lực và bị bạo lực: Bạo lực giữa vợ, chồng với nhau; bạo lực giữa cha mẹ và con cái; bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình.

Tham khảo thêm: Vợ mang bầu người khác, tôi muốn ly hôn có được không?

Ảnh Minh họa

2. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Theo quy định tại điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như sau:

“Điều 41. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.”

Mức xử phạt hành chính người có hành vi bạo lực gia đình

Căn cứ Mục 4 từ Điều 52 đến Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt với người có hành vi bạo lực gia đình gồm:

“Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 53. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 54. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này.

Điều 55. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;

b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 58. Hành vi bạo lực về kinh tế

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.

2. Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.

3. Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

Điều 59. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.”

Bạo lực gia đình có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Nếu tính chất của bạo lực gia đình nghiêm trọng đến mức người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự thì có thể phải đi tù về một trong các tội nêu tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 gồm:

  • Tội hành hạ người khác với mức phạt tù cao nhất là 03 năm (Điều 140).
  • Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình với mức phạt tù cao nhất là 05 năm (Điều 185).
  • Tội bức tử với mức phạt tù cao nhất là 12 năm tù (Điều 130).

Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tham khảo thêm: Ly hôn ai được quyền ưu tiên nuôi con

3. TỐ GIÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở ĐÂU?

Người vợ bị bạo hành có thể tố giác về hành vi bạo lực gia đình của chồng tại đâu?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 về báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình như sau:

Báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình

1. Địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

b) Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

c) Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;

d) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

đ) Người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

e) Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Gọi điện, nhắn tin;

b) Gửi đơn, thư;

c) Trực tiếp báo tin.

3. Chính phủ quy định về tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

Theo đó, địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

– Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

– Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;

– Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

– Người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

– Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Như vậy, trường hợp người vợ bị muốn tố giác về hành vi bạo lực gia đình của chồng thì có thể báo tin, tố giác đến các địa chỉ nêu trên được được tiếp nhận, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ nêu thực hiện theo các hình thức sau đây: Gọi điện, nhắn tin; gửi đơn, thư; trực tiếp báo tin.

Các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình:

“Điều 35. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình

1. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

2. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:

a) Địa chỉ tin cậy;

b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Cơ sở trợ giúp xã hội;

d) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

đ) Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình;

e) Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.”

Bài viết liên quan