Thủ tục hòa giải trong vụ án ly hôn

THỦ TỤC HÒA GIẢI TRONG VỤ ÁN LY HÔN

“Hòa giải” là hành vi thể hiện sự thương lượng giữa các bên khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra. Thủ tục hòa giải có thể có sự tham gia dàn xếp của một bên thứ ba (không phải là một bên tranh chấp). Nhờ thủ tục hòa giải mà các bên hiểu được nhau hơn, thông cảm cho đối phương, tìm ra phương án chung có lợi cho cả hai bên. Do đó trong pháp luật của các quốc gia thường đặt thủ tục hòa giải lên hàng đầu trong việc giải quyết tranh chấp. Pháp luật Việt Nam cũng không ngoại lệ, trong các tranh chấp dân sự, đất đai hay kinh tế, thương mại nói chung và hôn nhân gia đình nói riêng, đều có quy định về hòa giải.

Trong phạm vi bài viết này, Việt Chính Luật sẽ đi sâu phân tích về thủ tục hòa giải khi ly hôn.

1. Hòa giải trong vụ án ly hôn là gì?

Hòa giải trong vụ án ly hôn là hành vi nhằm xoa dịu những mâu thuẫn giữa vợ và chồng, giúp cho hai bên hiểu và thông cảm cho đối phương hơn, tránh sự đổ vỡ trong hôn nhân cũng như tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho hai vợ chồng so với thủ tục xét xử ly hôn qua Tòa án.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015, hòa giải trong vụ án ly hôn được chia làm 02 hình thức, đó là hòa giải tại cơ sở và hòa giải tại Tòa án, trong đó:

Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở

“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.

Điều 54. Hòa giải tại Tòa án

“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

* Hòa giải cơ sở

Hòa giải ở cơ sở là hình thức khuyến khích, không bắt buộc phải thực hiện. Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở.

Điều 2, Luật Hòa giải cơ sở quy định: “Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố)”.

Hòa giải cơ sở được thực hiện dựa trên những nguyên tắc sau:

– Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

– Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

– Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

– Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

– Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

– Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

* Hòa giải tại Tòa án

Sau khi các bên hòa giải tại cơ sở không thành, hoặc không thực hiện hòa giải tại cơ sở sẽ thực hiện việc nộp đơn ly hôn đơn phương/đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết vụ án ly hôn. Hòa giải tại Tòa án sẽ được diễn ra khi đã có quyết định thụ lý đơn yêu cầu ly hôn và đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Việc hòa giải tại Tòa án được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, vì vậy đây là thủ tục bắt buộc trong vụ án ly hôn.

Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ ly hôn đơn phương

                         Hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ ly hôn thuận tình

Mặc dù hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc, tuy nhiên những trường hợp sau đây không thể tiến hành hòa giải được:

– Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

– Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.

– Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

– Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

2. Diễn biến buổi hòa giải

* Hòa giải cơ sở:

– Về địa điểm: Địa điểm và thời gian thực hiện buổi hòa giải do hòa giải viên đã thống nhất trước đó với các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Địa điểm có thể là nhà riêng của một bên, nhà riêng của hòa giải viên, nhà văn hóa hay địa điểm khác mà các bên cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

– Thành phần tham dự buổi hòa giải: Thành phần tham dự buổi hòa giải gồm những người sau: Hòa giải viên: chủ trì buổi hòa giải; vợ, chồng đang có nhu cầu ly hôn; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: con cái, người có liên quan về tài sản,…, hòa giải viên hoặc các bên có thể mời người khác tham gia hòa giải. Việc mời người khác tham gia hòa giải phải được sự đồng ý của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Người được mời có thể là người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác.

– Diễn biến buổi hòa giải

Bước 1: Hòa giải viên chủ trì buổi hòa giải nêu mục đích, ý nghĩa của buổi hòa giải; thống nhất với các bên về một số quy ước, cách làm tại buổi hòa giải.

Bước 2: Các bên trình bày nội dung vụ, việc

– Hòa giải viên mời từng bên trình bày sự việc. Sau khi trình bày xong, các bên có quyền bổ sung ý kiến, đưa ra luận cứ, quan điểm của mình.

– Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm của họ về vấn đề đang tranh chấp, mâu thuẫn.

Bước 3: Phân tích vụ việc, dẫn chiếu các quy định pháp luật.

Hòa giải viên sẽ phân tích vụ việc trên cơ sở đạo đức, pháp luật; phân tích cho các bên hiểu rõ quyền và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của vợ, chồng trong cuộc sống hôn nhân, gia đình. Sau đó đưa ra phương án giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và hậu quả pháp lý nếu các bên vẫn tiếp tục thực hiện việc ly hôn.

Bước 4: Kết thúc hòa giải

– Trường hợp các bên thỏa thuận, giải quyết được những mâu thuẫn: Hòa giải thành.

– Trường hợp các bên không giải quyết được mâu thuẫn và vẫn tiếp tục mong muốn ly hôn: Hòa giải không thành.

– Trường hợp các bên chỉ thỏa thuận được một phần những vấn đề có tranh chấp, hòa giải viên tiếp tục thuyết phục các bên bàn bạc, thỏa thuận tiếp. Nếu các bên không thống nhất được thì thuộc trường hợp hòa giải thành; nếu các bên vẫn không thống nhất được thì thuộc trường hợp hòa giải không thành.

* Hòa giải tại Tòa án

– Địa điểm: Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án;

– Thành phần tham dự: Hội đồng xét xử gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm, nguyên đơn, bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và bị đơn (nếu có), người có quyền và nghĩa vụ liên quan,

– Diễn biến:

– Bước 1: Thẩm phán phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự; Phân tích kết quả của việc nếu hai vợ chồng đoàn tụ;

– Bước 2: Các đương sự trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu, căn cứ để bảo vệ cho yêu cầu ly hôn của mình và đề xuất những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết (nếu có);

– Bước 3: Thẩm phán xác định và kết luận những vấn đề hai vợ chồng đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu bổ sung, trình bày những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

– Bước 4: Tòa án lập biên bản và ra các quyết định:

Công nhận sự thỏa thuận ly hôn của hai vợ chồng, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử…

3. Các mẫu biên bản

Mẫu biên bản hòa giải ly hôn tại cơ sở 

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN: …………

ỦY BAN NHÂN DÂN  PHƯỜNG (XÃ) ……

————

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————– 

….., ngày …. tháng … năm ….

 

BIÊN BẢN HÒA GIẢI

(về việc ly hôn)

Hôm nay, lúc …. giờ … ngày …. tháng …. năm …..

Tại UBND phường: ……………………………………………………………………

Chúng tôi là: ……………………………………………………………………………

Chức vụ: …………………………………………………………………………………

Công tác tại UBND phường: ……………………………………………………………

Có lập biên bản về việc ly hôn giữa ông Nguyễn văn A và bà Nguyễn thị B cụ thể.

Một bên là: ……………………………

Nghề nghiệp: …………………………………………………

Ngụ tại: ………………………………………………………

và Một bên là: ………………………………………………

Nghề nghiệp: …………………………………………………

Ngụ tại: ………………………………………………………

Ngoài ra đến dự còn có: ……………………………………

NỘI DUNG SỰ VIỆC

……………………………………………………………………

……………………………………………………………………

KẾT QUẢ HÒA GIẢI

……………………………………………………………………

……………………………………………………………………

Biên bản đã đọc lại cho mọi người cùng nghe công nhận là đúng và cùng ký tên.

Ông (bà)

(ký và ghi rõ họ, tên)

 

 

Đại diện UBND Phường

 

 

(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ông (bà)

(ký và ghi rõ họ, tên)

 

 

Mẫu biên bản hòa giải ly hôn tại Tòa án

TÒA ÁN NHÂN DÂN …….(1) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BIÊN BẢN HÒA GIẢI

Hồi .…. giờ.…. phút ……, ngày .…. tháng ….. năm …..

Tại trụ sở Toà án nhân dân: ………..……………………………………

Tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự thụ lý số:……/……./TLST-……(2) ngày….. tháng….. năm .………

Những người tiến hành tố tụng:

Thẩm phán – Chủ trì phiên họp: Ông (Bà)……………………..……………

Thư ký Toà án ghi biên bản phiên họp: Ông (Bà)……………..…………….

Những người tham gia phiên họp(3)

………………………………………………………………………..…………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………….

PHẦN THỦ TỤC BẮT ĐẦU HOÀ GIẢI

Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành để họ tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Ý KIẾN CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ
HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ
(4)

……..……………………………………………………………………….……….……………………………………………………………………

……………………………………………………………………………….

NHỮNG NỘI DUNG ĐÃ ĐƯỢC CÁC ĐƯƠNG SỰ

THỐNG NHẤT, KHÔNG THỐNG NHẤT (5)

……..……………………………………………………………………

…….………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………….

NHỮNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO YÊU CẦU
CỦA NHỮNG NGƯỜI THAM GIA HÒA GIẢI 
(6)

.……………………………………………………………….………………….………………………………………………………………………

Phiên họp kết thúc vào hồi….giờ…. phút, ngày ….. tháng …… năm……

CÁC ĐƯƠNG SỰ

THAM GIA PHIÊN HỌP

(Ký tên, ghi rõ họ tên

hoặc điểm chỉ)

THƯ KÝ TÒA ÁN

GHI BIÊN BẢN PHIÊN HỌP

(Ký tên, ghi rõ họ tên)

THẨM PHÁN

CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP

(Ký tên, ghi rõ họ tên,

đóng dấu)

Trên đây là những nội dung tư vấn của Luật Việt Chính. Hi vọng rằng bạn có thể nắm được những thông tin đầy đủ nhất về việc trình tự làm việc tại buổi hòa giải ly hôn. Do tính chất phức tạp của vụ việc, để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian, Quý khách hành có thể sử dụng dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình của Luật Việt Chính theo liên hệ hotline: 0911.111.099 hoặc 0987.062.757 chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

Bài viết liên quan